Rosatom chỉ ra những thách thức trong việc phát triển hạt nhân tại các nước ASEAN

author 21:12 07/09/2015

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghiệp Sản xuất điện Châu Á 2015 được tổ chức tại Bangkok Thái Lan, Giám đốc Rosatom chi nhánh Đông Nam Á đã chia sẻ đánh giá của ông về những thách thức trong quá trình phát triển điện hạt nhân tại các nước ASEAN.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Tờ Hans India cho biết, trong bài phát biểu của mình, ông Egor Simonov, Giám đốc công ty Rosatom chi nhánh Đông Nam Á, tập trung vào những thách thức mà các quốc gia Đông Á sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển điện hạt nhân.

“Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đều là những quốc gia có mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp và mức độ tiêu thụ năng lượng dẫn đầu thế giới. Do đó, điện hạt nhân không chỉ trở thành nguồn năng lượng cơ bản mà còn giúp các quốc gia này phát triển vượt bậc,” ông nhận định.

Cũng theo ông Simonov, các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra 60 nghìn cơ hội việc làm tại các nền công nghiệp khác nhau, góp phần vào sự phát triển của lĩnh lực khoa học và công nghệ, đồng thời, cũng đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển giáo dục và cải thiện đời sống của người dân.

Diễn đàn Công nghiệp Sản xuất điện Châu Á 2015 được tổ chức tại Bangkok Thái Lan

Diễn đàn Công nghiệp Sản xuất điện Châu Á 2015 được tổ chức tại Bangkok Thái Lan. Ảnh Rosatom

Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi các quốc gia không đưa yếu tố chính trị vào quá trình phát triển điện hạt nhân. Trên thực tế, còn tồn tại rất nhiều thách thức trong việc thực thi các dự án điện hạt nhân như: Mức độ an toàn, vấn đề tài chính, giá thành điện sau khi được sản xuất, mức độ phát triển của các cơ sở điện hạt nhân và mức độ công nghệ hạt nhân người dân có thể chấp nhận.

Ông nhấn mạnh vai trò của nhà thầu là giúp đỡ các quốc gia đối tác trong việc giải quyết những vấn đề trên. Ông Simonov chỉ ra, Rosatom đang giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại nước này.

Ông cũng cho rằng, giá thành điện sau khi sản xuất là một yếu tố quan trọng đối với các quốc gia đối tác tại Châu Á, “giá thành điện hạt nhân là một trong những mức giá thấp nhất trong lĩnh vực sản xuất năng lượng. Nhiệm vụ của nhà thầu không chỉ là hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà còn là đưa ra mức giá hợp lý nhất đối với điện sau sản xuất.”

Bên cạnh đó, chính phủ các quốc gia đối tác cần tuyên truyền cho người dân các kiến thức cơ bản về điện hạt nhân nhằm giúp người dân hiểu rõ những lợi ích mà điện hạt nhân mang lại. Điển hình tại Việt Nam, chính phủ nước này và Rosatom đang hợp tác trong việc nâng cao nhận thức của người dân về điện hạt nhân.

Diễn đàn Công nghiệp Sản xuất điện Châu Á được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 1 đến 3/9/2015, trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Châu Á, với sự tham gia của nhiều công ty năng lượng Châu Á, các nhà cung cấp thiết bị sản xuất năng lượng quốc tế, cũng như đại diện của các công ty tư vấn kỹ thuật và đại diện chính quyền của các nước Châu Á.

Đinh Ly

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang