Sản phẩm Vương Phế An quảng cáo sai công dụng?

author 14:12 15/12/2023

(VietQ.vn) - Sản phẩm Vương Phế An là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng quảng cáo chữa dứt điểm bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản thanh quản lâu năm... có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Theo thông tin từ Cục ATTP – Bộ Y tế, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) không có tác dụng chữa bệnh cũng như thay thế thuốc chữa trị. Thực tế là vậy, nhưng các sản phẩm được cấp phép là TPBVSK vẫn quảng cáo dưới nhiều hình thức nhằm tiếp cận người tiêu dùng.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm dinh dưỡng, sữa uống chứa thành phần chất cấm gây hại cho sức khỏe, tính mạng người dùng. Hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm này đã được cơ quan chức năng lật tẩy và cảnh báo tới người tiêu dùng. Điển hình là vụ việc Công an TP.Thanh Hóa triệt phá đường dây thực phẩm chức năng giả, bắt 4 giám đốc với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn TP.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng tìm mua thực phẩm bảo vệ sức khoẻ gồm thực phẩm chức năng giảm cân, tăng cân, thực phẩm chức năng bổ não, làm đẹp dành cho phụ nữ, sữa uống dành cho người già, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày… nên đã thành lập nhà máy sản xuất gia công các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả để bán ra thị trường nhằm trục lợi.

Nhóm đối tượng này có phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như thành lập công ty sản xuất, công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh. Hầu hết công ty này đều do các thành viên trong gia đình đứng tên giám đốc nhằm che mắt cơ quan chức năng.

Lực lượng cảnh sát tổ chức khám xét đồng loạt 10 địa điểm, gồm: nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng giả, các kho chứa, lưu giữ hàng hoá và xưởng in bao bì sản phẩm giả ở các địa phương như TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) và TP.Từ Sơn (Bắc Ninh). Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm thực phẩm chức năng và hàng nghìn vỏ bao bì làm giả với tổng tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỉ đồng.

Sự việc trên như hồi chuông cảnh báo tới các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, bên cạnh doanh nghiệp chấp hành quy định sản phẩm chất lượng, vẫn còn không ít đơn vị trà trộn thêm mặt hàng kém chất lượng, quảng cáo sai công dụng, lừa dối người tiêu dùng.

Đây chỉ là một trong những câu chuyện không mong muốn liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng không theo khuyến cáo của y, bác sĩ. Đáng buồn là, sau những câu chuyện đau lòng xảy ra, không ít tổ chức kinh doanh vẫn vì lợi nhuận mà “hô biến” sản phẩm như thuốc điều trị bệnh.

Vương Phế An quảng cáo sai công dụng sản phẩm

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ) liên tục nhận được phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm Vương Phế An do Công ty TNHH WINFA (Tầng 2, tòa nhà Mỹ Đình Plaza 2, số 2, đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm và phân phối. Theo thông tin phản ánh, sản phẩm Vương Phế An viên hoàn được quảng cáo như thuốc điều trị tận gốc viêm họng, viêm amidan... khiến người tiêu dùng hoang mang về công dụng thật của sản phẩm.

Theo tìm hiểu tại website https://www.vuongpheanchinhhang.vn/, Vương Phế An viên hoàn được đăng ký là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau rát họng, khản tiếng do ho kéo dài, hỗ trợ bổ phế, hỗ trợ giúp hạn chế ho nhiều, hỗ trợ giảm tăng tiết đờm, tuy nhiên lại được quảng cáo công khai như thuốc điều trị.

Vương Phế An “táo bạo” quảng cáo sai công dụng?

Mở đầu chiến dịch “tâng bốc” sản phẩm Vương Phế An viên hoàn là màn giới thiệu: Giải pháp điều trị tận gốc viêm họng hạt, viêm amidan mãn tính, viêm phế quản, thanh quản lâu năm... số 1 Việt Nam. Kèm theo đó là hình ảnh đăng tải đẹp mắt về sản phẩm này cùng hình ảnh bác sĩ, diễn viên nổi tiếng.

Tại trang web trên, tổ chức kinh doanh nêu ra các triệu chứng bệnh viêm amidan, amidan hốc mủ, viêm phế quản cấp và mãn tính, viêm họng hạt... và hàng loạt biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị... Để giải quyết tình trạng trên, tổ chức kinh doanh xoa dịu người bệnh và giới thiệu “giải pháp vàng” chấm dứt tận gốc bệnh bằng cách sử dụng Vương Phế An với cam kết “sạch họng, hết ho, không lo tái phát”.

Thậm chí, để người bệnh tin tưởng mua sản phẩm, Vương Phế An còn được “vẽ” phác đồ điều trị như thuốc như: giai đoạn 1 tiêu viêm giảm sưng, giai đoạn 2 phục hồi, giai đoạn 3 ngăn ngừa tái phát... cùng cam kết “nổ” sau quá trình sử dụng sẽ dứt điểm các triệu chứng viêm họng, viêm amidan, viêm họng hạt, khạc nhổ đờm đặc. Sau khi hỗ trợ điều trị thành công, niêm mạc họng không hề bị tổn thương như cắt và đốt nên không tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công trở lại. Người bệnh hầu như không bị tái lại như các phương pháp khác.

Quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy, trong các nội dung quảng cáo Vương Phế An viên hoàn tổ chức kinh doanh đều khẳng định là sản phẩm điều trị bệnh về họng hiệu quả số 1 tại Việt Nam.

Người tiêu dùng cẩn trọng, tìm hiểu kỹ khi mua sản phẩm sử dụng

Để thông tin được khách quan, PV đã tới địa chỉ nêu trên nhưng không có thông tin nào về công ty phân phối. Do đó, người tiêu dùng hoang mang, lo lắng liệu sản phẩm này có chất lượng như quảng cáo, nếu sử dụng xảy ra vấn đề nghiêm trọng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

“Có thể bị phạt tù nếu gây thiệt hại”

Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trao đổi với báo chí như sau: Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh” mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm phápluật.

Theo điều 5 Nghị định 123/2018, việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo thì có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang