Sau bê bối dầu bẩn, Đài Loan tăng cường quản lý nhập khẩu dầu mỡ

author 07:06 07/11/2014

(VietQ.vn) - Thông tin trên mới được Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cung cấp

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cụ thể, mới đây, Đài Loan đã đưa 89 dòng sản phẩm dầu mỡ vào danh mục các mặt hàng tăng cường quản lý nhập khẩu với lý do bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu dầu mỡ. Theo đó, doanh nghiệp muốn nhập khẩu 89 dòng sản phẩm này phải xin phép và được sự đồng ý của các đơn vị liên quan Đài Loan như: “Bộ Kinh tế”, “Bộ Y tế và Phúc lợi”, Ủy ban Nông nghiệp…

Dầu ăn bẩn gây chấn động tại Đài Loan thời gian qua

Trước đó, ngày 20/10, Cục Thương mại Quốc tế,- Bộ Kinh tế Đài Loan ra thông báo đưa các sản phẩm mã CCC 1518.00.50.00-2 dầu mỡ động thực vật không dành cho người ăn, các chất hỗn hợp, chất được điều chế từ dầu mỡ thuộc chương này vào Danh mục các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.

Theo thông báo của phía Đài Loan, việc đưa các sản phẩm thuộc mã này vào Danh mục trên là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn các nhà nhập khẩu trộn dầu bẩn vào thành dầu ăn cho người. Thông báo này có hiệu lực từ ngày công bố. Như vậy, nếu các sản phẩm muốn nhập khẩu vào Đài Loan phải tiến hành xin phép với Cục Thương mại Quốc tế, “Bộ Kinh tế” Đài Loan trước và được phê duyệt mới được nhập khẩu.

Bê bối dầu ăn bẩn thực sự gây chấn động khi cảnh sát Đài Loan hồi tháng 9 vừa qua đã phát hiện 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc do một nhà máy không phép tại Bình Đông sản xuất và bán cho tập đoàn Chang Guann. Tập đoàn này đã chế biến chúng thành 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm khác, trong đó có những thương hiệu hàng đầu Đài Loan.

Năm 2010, Chinadaily từng dẫn lời ông He Dongping, chuyên gia về khoa học thực phẩm thuộc Đại học bách khoa Wuhan (Trung Quốc) cho biết, trong 22,5 triệu tấn dầu ăn người dân nước này tiêu thụ hàng năm thì có khoảng từ 2 đến 3 triệu tấn là dầu ăn đã qua sử dụng, tức cứ 10 bữa ăn của người dân Trung Quốc thì có một bữa dùng dầu ăn phế thải. Chúng thường là dầu ăn thải loại từ các nhà bếp đã được tinh chế, chứa chất độc hại có thể gây ung thư được gọi là "aflatoxin"

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang