Sinh viên ra trường thất nghiệp, lao động nước ngoài trái phép gia tăng

author 14:18 19/11/2014

(VietQ.vn) - Trong khi cả nước có hàng vạn lao động thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm thì xảy ra tình trạng lao động nước ngoài trái phép thâm nhập vào Việt Nam.

Lao động, việc làm chính là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 19/11

Tại phiên chất vấn,  Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu thực trạng, cả nước hiện  hàng vạn lao động, trong đó có sinh viên ra trường nhưng không có việc làm (thống kê quý III  năm 2014 cả nước có 174.000 lao động đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm). “ Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và trách nhiệm phối hợp giữa Bộ LĐ-TBXH với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự báo cung cầu và định hướng chất lượng lao động được đào tạo?”, đại biểu Hoàng đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong một năm có trên 800.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra trường và những thanh niên này họ rất cần việc làm. Nữ Bộ trưởng kể tới 3 nguyên nhân: Thứ nhất do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn dẫn đến doanh nghiệp phá sản, giải thể nên việc tiếp nhận lao động hạn chế; thứ hai chất ượng đào tạo cũng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường  đặc biệt là đào tạo kỹ năng nghề trình độ cao; thứ ba, giữa đào tạo với thị trường cũng chưa gắn kết đồng bộ.

Chia sẻ với những cử nhân thất nghiệp, nhất là những gia đình phải vay mượn tiền ăn học, nữ Bộ trưởng  khuyên: “60% sinh viên thất nghiệp hiện đang ở  nông thôn có thể về phụ giúp cha mẹ. Khi chưa có nghề các bạn hãy phát huy tinh thần làm bất cứ nghề gì. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai chương trình giới thiệu việc làm hi vọng tình hình này sẽ sớm được cải thiện”.

Nghe xong phần trả lời Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh)  bày tỏ bức xúc: Trong khi sinh viên ta ra trường không tìm được việc làm thì lao động nước ngoài vào làm việc không phép lại gia tăng. Đáng nói là trong số  lao động nước ngoài đang làm việc không phải ai cũng có trình độ tay nghề cao. Cá biệt có cả trường hợp vi phạm pháp luật thâm nhập vào Việt Nam  qua các đường khác nhau,  mà không quản lý được

"Chuyển dịch lao động là xu thế tất yếu, nhưng có nhiều hệ lụy từ quản lý lao động nước ngoài ngoài không phép. Bộ có kế hoạch trung, dài hạn để sử dụng lao động trong nước ra sao, và quản lý lao động nước ngoài như thế nào?", bà Hoàng đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH,  Luật và nghị định về quản lý lao động nước ngoài đã quy định rõ đối tượng nào được phép vào Việt Nam làm việc. Đó là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Chuyền thừa nhận: Thực tế vẫn có những lao động không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng doanh nghiệp vẫn sử dụng, chủ yếu đi theo con đường du lịch và tham gia giai đoạn đầu xây dựng, phần đông là lao động Trung Quốc.

Bà Chuyền cho biết, thời gian qua, Bộ LĐ-TBXH  đã phối hợp với ngành công an, ký hợp tác về việc kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp lao động nào nhập cảnh sai thì trục xuất.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đã ra  yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài công bố công khai rộng rãi nhu cầu tuyển dụng lao động.

Trước tình trạng phân biệt đia phương trong tuyển dụng lao động tại một số doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ gây bất bình trong nhân dân và dư luận, Bộ trưởng Chuyền cho biết: “ Tôi hoàn toàn phản đối việc tiếp nhận lao động như vậy và đó là việc làm hoàn toàn trái với quy định hiện hành về việc tuyển, tiếp nhận người lao động. Người lao động Việt Nam được quyền lao động ở các nơi trên cả nước khi nghề nghiệp đó phù hợp với họ. Trước phản ảnh đó chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị này rút ngay việc phân biệt. Đó cũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc sử dụng lao động và cũng là việc bảo vệ quyền của người lao động”.

Tuyết Mai




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang