Sơn La: Khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản

author 18:11 22/05/2022

(VietQ.vn) - Ngày 21/5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022.

Hội nghị kết nối tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022 nhằm kết nối kênh thương mại của các nước thông qua các tổng lãnh sự, doanh nghiệp, tập đoàn để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Sơn La.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La, để đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh đến gần với người tiêu dùng trên cả nước, VNPT Sơn La đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng "Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La".

Kích hoạt sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La.

Việc khai trương sàn giao dịch điện tử sẽ góp phần đưa nông sản Sơn La lên sàn giao dịch có trích xuất nguồn gốc, xuất xứ chứng nhận sản phẩm và đảm bảo các yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Sàn giao dịch được bảo vệ bởi chứng thư số SSL (Secure Sockets Layer) - tiêu chuẩn công nghệ bảo mật trên môi trường internet an toàn nhất hiện nay.

Bên cạnh đó, sàn giao dịch còn xây dựng chức năng xử lý phản ánh vi phạm của cộng đồng. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đánh giá, gửi phản ánh về chất lượng, nguồn gốc cũng như các vấn đề liên quan tới sản phẩm tới đơn vị cung ứng hoặc cơ quan quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, sàn giao dịch là công cụ tương tác trao đổi thông tin chính thống về hàng hóa nông sản giữa người mua và người bán, giúp chính quyền các cấp phát huy vai trò trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trong tương lai không xa.

Hiện, toàn tỉnh Sơn La có 740 Hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 24 sản phẩm mang địa danh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 86 sản phẩm OCOP; 220 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, gồm: 32 chuỗi rau, 152 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 28 chuỗi thủy sản an toàn...  

Trong đó có 59 hợp tác xã, doanh nghiệp và 87 sản phẩm OCOP của 12 huyện, thành phố được cập nhập đầy đủ thông tin trên hệ thống VNPT Sơn La. Các sản phẩm đưa lên hệ thống được đảm bảo tính chính xác và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước. Đã có 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...

Theo ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đơn vị đang triển khai xây dựng “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia” theo chuẩn quốc tế, đây sẽ là một “đám mây ẩn” cho phép các nhà cung cấp giải pháp TXNG và tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng cùng cơ quan quản lý kết nối và chia sẻ thông tin.

Mục tiêu của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia hướng tới vấn đề: thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, từ đó đảm bảo kết nối giữa các hệ thống truy xuất của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cổng thông tin cũng hướng tới việc kết nối quốc tế để hỗ trợ cho việc xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa.

“Về lâu dài, chúng tôi mong muốn xây dựng hệ sinh thái TXNG kết nối với tất cả hệ thống có liên quan đến sản phẩm hàng hóa, từ đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đến các đơn vị vận chuyển, lưu kho, phân phối, các đơn vị cung cấp giải pháp TXNG và cơ quan quản lý nhà nước. Hệ sinh thái này sẽ bao gồm việc số hóa chuỗi cung ứng, từ đó kết nối để trở thành một hệ thống giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa”, ông Chính cho biết.

Với mục tiêu kết nối – chia sẻ và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa Quốc gia sẽ được kỳ vọng từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lực, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, TXNG còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Tạ Nhị (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang