Sử dụng rượu thuốc gia truyền làm đẹp: Coi chừng tự hại thân bằng… độc dược!

author 08:26 11/09/2021

(VietQ.vn) - Sử dụng rượu thuốc gia truyền được ngâm từ các loại thân, rễ, lá cây... để trị mụn, nám đang là phương pháp được nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, do nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng mập mờ, thậm chí chứa nhiều hóa chất độc hại nên có thể gây tổn thương da nghiêm trọng, nặng hơn có thể dẫn đến ung thư da...

Nát mặt vì làm đẹp bằng rượu thuốc gia truyền

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của nick name “Thanh Thu” đăng tải kể lại câu chuyện của chính mình sau khi “lỡ” trải nghiệm sản phẩm làm đẹp rượu thuốc gia truyền. Theo lời người này, thông qua một người bạn, chị có mua rượu thuốc gia truyền trị mụn của bà Yến (Bắc Kạn). Thuốc này được giới thiệu thành phần cây rễ tự nhiên rất an toàn, khi dùng da chỉ bị đỏ nhưng là dấu hiệu tốt. Người bán cam kết sau khi dùng thuốc sẽ hết mụn, nám... da chị Thu sẽ đẹp như ý muốn. Liệu trình chị này dùng có giá 450 nghìn đồng/lọ 30ml.

Cảm nhận tuần đầu khi thoa thuốc da mặt chị Thu khô lại, nhưng đã được hướng dẫn triệu chứng nên chị tiếp tục sử dụng. Đến tuần thứ 3, mụn lớn, mụn bé mọc chi chít 2 bên má, trán. Liên hệ với người bán và ngỏ ý muốn đi khám thì bà Yến khuyên mụn lên là do tác dụng của thuốc, nên tiếp tục bôi để khô mụn bong da sẽ đẹp.

 Sản phẩm rượu thuốc gia truyền chị Thu mua trên mạng xã hội.

“Mình nghe theo và bôi thêm 3 ngày nữa thì mặt sưng vù lên, mụn nhỏ nổi li ti khắp mặt, đỏ ửng, rát đến nổi không thể rửa mặt. Lúc này vẫn cố chờ đến khi da bong thì lại thấy tình trạng thâm như nám. Đi viện kiểm tra, bác sĩ cho biết da mình bị tổn thương quá nhiều, nếu điều trị thì khả năng không phục hồi về như da gốc, phải chữa lâu và rất tốn kém”, chị Thu đăng tải.

Chị Thu đã bị sốc tinh thần sau sự việc này. Mặc dù không muốn công khai câu chuyện lên mạng xã hội nhưng nhận thấy nhiều người bán loại rượu này quá nên chị lên tiếng để cảnh báo “mong các chị em hãy sáng suốt và nâng niu làn da của mình, đừng nghe đông tây mà dùng linh tinh lên mặt”.

Rượu thuốc gia truyền hay độc dược?

Theo tìm hiểu của PV, trên mạng xuất hiện nhan nhản sản phẩm rượu ngâm được quảng cáo an toàn, lành tính... Chỉ cần gõ từ khóa “rượu thuốc gia truyền”, trên facebook sẽ xuất hiện rất nhiều sản phẩm dạng này. Ví dụ như sản phẩm có tên “Rượu thuốc gia truyền dân tộc” được giới thiệu là bài thuốc gia truyền từ xưa của người đồng bào dân tộc thiểu số. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên từ cây thuốc nam và rượu nguyên chất 100% đúng độ.

Rượu thuốc được người bán cho biết có công dụng điều trị mụn lâu năm, mụn dậy thì, mụn bọc, mụn đỏ, chữa nám, trị thâm, tàn nhang, giúp da trắng mịn không tỳ vết. Cách dùng chỉ cần đổ thuốc ra nắp, dùng tay chấm vào nốt mụn, muốn trắng hồng toàn mặt thì bôi đều khắp da, thuốc này có thời gian điều trị chỉ từ 1-3 tháng.

 Một đoạn quảng cáo rượu thuốc gia truyền kinh doanh trên chợ mạng.

Theo quan sát của PV, hầu hết các loại rượu ngâm được đựng trong chai nhựa hoặc thủy tinh, nước màu vàng đục... bên ngoài vỏ không ghi thông tin, hoặc nếu có thì mập mờ, không rõ ràng. Do vậy, nếu chỉ tin qua quảng cáo mà sử dụng thì người tiêu dùng cần thận trọng.

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Văn Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TƯ khẳng định, việc bôi rượu lên mặt để trị mụn, trị nám hay làm đẹp là phản khoa học. Theo phân tích của ông Tiến, rượu thực chất là dung môi gây kích ứng da, làm da sẩn ngứa, ửng đỏ khi ở độ nhẹ, rượu độ nặng có thể làm bong tróc tổn thương da.

Nguy hại là khi lớp biểu bì ngoài cùng của da bị tổn thương đồng nghĩa với việc làn da đó không còn khả năng chống chọi với các tác nhân gây hại như tia cực tím, ô nhiễm môi trường... dẫn đến hệ quả là da rất yếu, dễ bị mụn, nám, bị viêm hoặc có thể dẫn đến ung thư da.

ThS. BS Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, loại rượu rễ cây làm bong tróc da như vậy thực chất là chất tẩy da. Nguyên lý hoạt động của những loại chất tẩy này khi tiếp xúc với da sẽ làm bong lớp biểu bì ngoài cùng khiến phần da non lộ ra ngoài nên tạo cảm giác trắng hồng, mịn màng cho người sử dụng.

Tuy nhiên, đây chỉ là ảo giác vì sau khi lột lớp da bên ngoài, tế bào nám hoặc nhân mụn vẫn còn sâu phía trong da sẽ dễ dàng tái phát trở lại, nhất là khi da tiếp xúc với ánh nắng và khói bụi. Ông Trường khuyến cáo cách làm đẹp này rất tai hại vì có không ít bệnh nhân đến viện để điều trị những hậu quả do dùng các loại rượu rễ cây hay thuốc tẩy da một cách tùy tiện.

Đánh giá về phương pháp trị mụn, trị nám bằng việc bôi rượu rễ cây lên mặt, TS Đỗ Đình Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và huấn luyện Bệnh viện Y học Cổ truyền quân đội cho biết thêm, y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc trị mụn, trị nám, làm đẹp da nhưng chủ yếu là giải quyết tận gốc chứ không phải điều trị triệu chứng. “Khi bị mụn cần phải xác định nguyên nhân gây ra mụn ở đâu, từ gan, mật suy... hay vì nguyên nhân khác để có cách điều trị đúng đắn chứ không phải cứ đắp các loại cây, lá vào mặt là xong” - ông Long nói.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang