Sử dụng thuốc kéo dài coi chừng nhiễm độc thuốc và hóa chất nguy hiểm

author 06:16 13/05/2022

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc Đông y hay Tây y kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm độc thuốc ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe người bệnh.

Theo ThS-BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, phòng khám thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm độc do sử dụng thuốc kéo dài. Các bệnh nhân thường đến khám vì một bệnh lý nội khoa và được các bác sĩ hội chẩn với phòng khám chống độc. Phổ biến nhất là các bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng có trong thuốc Đông y tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, giảm béo, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…

Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhân có tiền sử uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol 500 mg, 2 viên/ngày, nhưng sử dụng liên tục trong 5 tháng. Sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, dễ bầm máu ở da, chảy máu chân răng khi đánh răng.

Theo bác sĩ Uyên Vy, đây chính là tác dụng phụ của Paracetamol khi sử dụng liên tục mỗi ngày dù là liều thấp, không phải là liều độc.

Sử dụng thuốc kéo dài cần đến khám bác sĩ chống độc để tránh hậu quả về sau. Ảnh: Pháp luật TP.HCM 

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận nhiều ca bị bệnh lý về suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da hay có ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột.

Thậm chí, có những trường hợp bị tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc; bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê và những tình huống ảnh hưởng quá nặng trên tim, hệ hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Vy thông tin thêm, những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên, sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên. Bệnh nhân đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân và bệnh cũng không thuyên giảm.

Sau khi loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân những bệnh nhân này đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ.

Do thuốc Đông y thường được tự pha chế thủ công hoặc dù được đóng gói hiện đại thì liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên thuốc. Thậm chí có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10-30 lần so với liều trong sách thuốc Đông y hướng dẫn. Do đó, người bệnh sử dụng những loại thuốc Đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại. Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì BN đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh.

Thuốc Tây hay thuốc Đông y đều có những vị thuốc gọi là độc dược. Thầy thuốc và bác sĩ chỉ biết về mặt tác dụng điều trị của viên thuốc chứ ít khi chú ý về mặt tác dụng độc hại của viên thuốc. Với Đông y, nhiều người dân vẫn có quan niệm uống thuốc Nam, thuốc Bắc phải uống lâu dài mới đáp ứng hiệu quả nên thành ra dễ có nguy cơ bị nhiễm độc. Đặc điểm bệnh nhiễm độc thường khi có triệu chứng thì đã trở nặng, điều trị sẽ khó và tốn kém, nên phòng ngừa sớm. Nếu tùy tiện sử dụng trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc trong mô, cơ quan, làm tổn thương các mô, cơ quan hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng.

Để tránh các trường hợp tương tự, bác sĩ khuyến cáo người dân khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì một cách lâu dài để điều trị bệnh, nếu muốn biết mức độ an toàn của thuốc, biết được liệu mình có khả năng bị nhiễm độc, ngộ độc hay không, bệnh nhân có thể đến bệnh viện để được tư vấn và hướng dẫn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang