Sửa đổi, bổ sung quy định về trao quyền đăng ký sáng chế

author 06:28 05/10/2021

(VietQ.vn) - Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tới trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó là quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa (chuyển hoá quy định trong điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật có giá trị bất buộc thực hiện đối với tổ chức, cá nhân ở một quốc gia) thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Mục tiêu xây dựng dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; bảo đảm quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ một điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua. Đó là chính sách bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Với việc bổ sung nhiều nội dung, số lượng các điều dẫn chiếu lớn dẫn đến không thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đổi tên dự án "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ" thành "Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi).

Ảnh minhh họa

Liên quan tới vấn đề trao quyền đăng ký sáng chế, theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), dự thảo đề xuất bổ sung Điều 86a, trong đó quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia (do Nhà nước thực hiện đăng ký). Đây được xem là nội dung quan trọng và nổi bật nhất của chính sách.

Bổ sung Điều 133a, trong đó quy định quyền của Nhà nước đối với các đối tượng này như trao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí để người khác không thể đăng ký độc quyền các đối tượng này; đồng thời quy định nhà nước có quyền sử dụng các đối tượng này trong một số trường hợp khẩn cấp hay phục vụ nhu cấp cấp thiết của xã hội, an ninh quốc gia.

Bổ sung Điều 136a, trong đó quy định nghĩa vụ của tổ chức chủ trì (thông báo đối tượng mới được tạo ra cho cơ quan có thẩm quyền, nghĩa vụ thực hiện đăng ký xác lập quyền trong thời hạn quy định, báo cáo định kỳ về việc sử dụng,…).

Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 139, trong đó quy định chủ văn bằng bảo hộ các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng này khi được nhà nước chấp thuận.

Các quy định nêu trên tạo ra hành lang pháp lý cơ bản cho việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Theo dự thảo, Chính phủ được giao thẩm quyền quy định chi tiết về các thủ tục liên quan đến nội dung điều chỉnh tại các điều được bổ sung trên đây.

Ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh, việc đề xuất sửa đổi quy định pháp luật theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn.

Cơ chế này sẽ tạo động lực, khuyến khích tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập quyền SHTT đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ, và thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước để khai thác có hiệu quả các đối tượng này và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì, lợi ích của nhà nước và lợi ích xã hội.

Quy định trao quyền đăng ký một cách tự động sẽ tạo cơ sở cho tổ chức chủ trì có thể chủ động đăng ký xác lập quyền, khai thác, sử dụng các đối tượng nói trên, đẩy nhanh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp (đối với các tổ chức chủ trì là viện nghiên cứu/trường đại học) để thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích, gia tăng giá trị kinh tế.

Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, nguồn thu của ngân sách nhà nước cũng gia tăng từ việc thu thuế từ các hoạt động này. Không chỉ vậy, việc thực thi quy định nói trên còn mang lại cho nhà nước các lợi ích về kinh tế, xã hội khác (thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm,...).

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng lấy dẫn chứng về Hoa Kỳ và lợi ích kinh tế mà Hoa Kỳ đạt được từ việc thực thi Luật Bayh-Dole năm 1980 (trao quyền đăng ký sáng chế cho tổ chức chủ trì) - động lực cho nhiều quốc gia học tập, đưa vào chính sách pháp luật.

Cụ thể, chuyển giao công nghệ tăng 10% mỗi năm tại Hoa Kỳ và li-xăng quốc tế tăng khoảng 18% mỗi năm và có hơn 11.472 công ty khởi nghiệp được thành lập từ năm 1980 đến năm 2017 là kết quả các hoạt động chuyển giao công nghệ. Ước tính các hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đã đóng góp tới 518 tỷ USD vào GDP và hỗ trợ tới 3,8 triệu việc làm tại Hoa Kỳ từ năm 1996 đến 2013 trong tất cả các ngành kinh tế.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang