Tài sản trí tuệ trong các thương vụ mua bán, sáp nhập

author 18:20 08/12/2015

(VietQ.vn) - Tài sản trí tuệ gắn liền trong các thương vụ mua bán – sáp nhật thường là nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích,…

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

M&A (viết tắt của cụm từ “mergers and acquisitions”), là hoạt động sáp nhập và mua bán nhằm giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Theo các cuộc điều tra, bởi đặc thù giá trị vô hình và lâu dài, sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề khó đi đến thống nhất trong các thương vụ M& A, đặc biệt là vấn đề định giá và chuyển quyền sở hữu tài sản trí tuệ.

Định giá tài sản trí tuệ ảnh hưởng rất lớn tới các thương vụ M&A

Định giá tài sản trí tuệ ảnh hưởng rất lớn tới các thương vụ M&A

Trước hết, các nhà đầu tư sẽ định giá doanh nghiệp dựa trên sự kỳ vọng lợi nhuận đạt được trong tương lai mà ở mức độ nhất định, thu được từ việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ. Xác định giá trị của một tài sản trí tuệ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và tính sinh lời của loại tài sản đặc biệt này. Những phương pháp chủ yếu thường dùng để định giá tài sản trí tuệ là “chi phí, thu nhập và thặng dư” nhưng khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình.

Hiện nay, trước khi tiến hành M&A, các doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn tập trung vào các nhãn hiệu do vai trò quan trọng của chúng trong việc định hướng và phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau M&A.

Trong khi đó, kinh nghiệm của các công ty nước ngoài khi mua lại các thương hiệu Việt Nam là thuê các công ty kiểm toán quốc tế định giá. Hiện nay, các công ty kiểm toán Việt Nam cũng đang thực hiện các dịch vụ kiểm toán bao gồm cả việc đánh giá giá trị của thương hiệu. Các doanh nghiệp có thể thuê một lúc nhiều hãng kiểm toán độc lập để đảm bảo việc định giá khách quan và chính xác hơn.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có tài sản vô hình lớn hơn nhiều giá trị tài sản hữu hình. Cụ thể, từ cách đây gần 20 năm, thương hiệu kem đánh răng PS đã được tập đoàn Unilever trả với giá 5 triệu USD, trong khi toàn bộ đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị chỉ là 3 triệu USD. Hiện nay, những tài sản trí tuệ thường gắn liền trong các thương vụ M&A là nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích.

Hợp đồng chuyển nhượng tài sản trí tuệ chỉ có hiệu lực khi được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ

Hợp đồng chuyển nhượng tài sản trí tuệ chỉ có hiệu lực khi được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ

Đây đều là những đối tượng nếu muốn xác lập quyền thì chủ sở hữu cần nộp hồ sơ đăng ký để Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định và xem xét việc cấp Văn bằng bảo hộ hay không. Khi tiến hành các thương vụ M&A, những tài sản trí tuệ này cũng sẽ được chuyển dịch quyền sở hữu sang cho doanh nghiệp mới theo những yêu cầu cụ thể của Luật Sở Hữu Trí Tuệ.

Theo đó, điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ “Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền này phải thực hiện bởi hình thức hợp đồng bằng văn bản gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp”.

Cũng liên quan tới vấn đề này, khoản 1, điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng, đối với nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích...hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu phải được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp coi nhẹ hoặc bỏ qua vấn đề này, dẫn đến việc không có văn bản chuyển nhượng hoặc nếu có, hợp đồng cũng bị coi là vô hiệu do chưa đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, gộp chung với việc chuyển nhượng những tài sản khác mà thiếu các điều khoản bắt buộc. Việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng là căn cứ pháp lý bắt buộc và cần thiết, để ghi nhận lại quyền sở hữu của chủ sở hữu mới đối với tài sản sở hữu trí tuệ, tránh những tranh chấp không đáng có.

Để đảm bảo an toàn hậu M&A, doanh nghiệp cần chú trọng tới vấn đề chuyển nhượng và định giá tài sản trí tuệ

Để đảm bảo an toàn hậu M&A, doanh nghiệp cần chú trọng tới vấn đề chuyển nhượng và định giá tài sản trí tuệ

Một điểm lưu ý nữa là các nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ một số quy định đặc thù của Luật Sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp có thể thông qua các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để có được sự tư vấn và hỗ trợ pháp lý đầy đủ khi thực hiện, đảm bảo thành công khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cũng như toàn bộ thương vụ M&A.

Việc định giá tài sản trí tuệ chính xác giúp doanh nghiệp có những quyết sách, chiến lược và kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, nó đang là một vấn đề rất mới và phức tạp ở Việt Nam, ngay cả với các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ. Về mặt pháp lý, Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định pháp luật hướng dẫn vấn đề này. Để chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình cũng như đảm bảo an toàn hậu M&A, doanh nghiệp cần chú trọng tới vấn đề chuyển nhượng và định giá tài sản trí tuệ.

Lan Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang