Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến

author 06:27 18/03/2023

(VietQ.vn) - Việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được tiếp tục hoàn hiện. Trong đó, dự thảo đã tăng thêm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế; bảo vệ người tiêu dùng thông qua bên thứ ba; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến...

Đa dạng hình thức lừa đảo trên môi trường thương mại điện tử

Hiện nay, thương mại điện tử đang là một trong những trụ cột có đóng góp lớn cho tăng trưởng quy mô nền kinh tế số Việt Nam. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì hoạt động thương mại thì vẫn tồn tại một số vấn đề thực tế khá phổ biến hiện nay đã làm thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng trên cả thị trường trực tiếp lẫn trực tuyến như mua sắm phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... hay nhiều các hình thức lừa đảo khác nhau.

Thương mại điện tử đang là một trong những trụ cột có đóng góp lớn cho tăng trưởng quy mô nền kinh tế số Việt Nam. Ảnh minh họa.

Điển hình như các đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Các đối tượng sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3 - 4 lần, cùng với đó là những dòng mô tả như “giảm giá sốc”, “thanh lý xả kho”, những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại,…

Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua và sử dụng các phương thức liên lạc như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn thương mại điện tử với mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết. Sau khi bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.

Một hình thức lừa đảo thường gặp nữa là các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển đến địa chỉ người mua. Khi đó đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Người bị hại sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn thuơng mại điện tử nên vẫn tiến hành thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng. Do việc giao dịch của người bị hại ngoài phạm vi của các sàn thương mại điện tử nên không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm vì hệ thống các sàn thương mại điện tử không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay xác định người dùng bị thiệt hại...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiện việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được tiếp tục hoàn thiện. Chia sẻ với báo chí, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo các luật rất chú trọng những nội dung trọng tâm như xác định phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng các luật này, cũng như bổ sung hệ thống quy định pháp luật trong đa dạng giao dịch đặc thù; trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến người tiêu dùng; tranh chấp tại tòa giữa người tiêu dùng với các bên...

Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử tạo ra các thành tố cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số. 

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã tăng thêm một số quy định phòng chống rủi ro giao dịch thương mại, giao địch điện tử như bổ sung chủ thể bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra bao gồm tổ chức, cá nhân trung gian thương mại.

Cùng với đó là các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế; bảo vệ người tiêu dùng thông qua bên thứ ba; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến... Những điều này thể hiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có sự cập nhật xu hướng thị trường và hệ thống pháp luật trên thị trường toàn cầu liên quan đến những vấn đề bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang