Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Dệt may và Y tế giữa Việt Nam - Ấn Độ

author 06:38 12/09/2020

(VietQ.vn) - Với tổng quy mô toàn ngành dệt may khoảng 140 tỷ USD, Ấn Độ là thị trường hấp dẫn và rộng lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Trong lĩnh vực y tế, Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng và đứng thứ 14 về giá trị sản xuất thuốc và dược phẩm.

Tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong năm 2020, ngày 10/9/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế”.

Đại sứ toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu: Việt Nam và Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội lớn để đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

Sự kiện có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Dệt may và Y tế của Việt Nam và Ấn Độ.

Đại sứ toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam và Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội lớn để đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết. Dệt may và y tế là hai lĩnh vực Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác và phát triển.

Với ngành dệt may, cả hai nước đều có thế mạnh về xuất khẩu dệt may- hàng may mặc, tuy nhiên, đây là mối quan hệ bổ trợ tương hỗ, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần hợp tác với nhau để chinh phục thị trường toàn cầu, khi Trung Quốc đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Ấn Độ, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và quy mô dân số sẽ là nguồn cung cấp vải và sợi chất lượng cho Việt Nam và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, với tổng quy mô toàn ngành dệt may Ấn Độ đạt khoảng 140 tỷ USD với nhu cầu đa dạng, Ấn Độ cũng là thị trường hấp dẫn và rộng lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Trong lĩnh vực y tế, Ấn Độ hiện đứng thứ ba trên toàn thế giới về sản lượng và đứng thứ 14 về giá trị sản xuất thuốc và dược phẩm. Hiện có khoảng 700 công ty dược phẩm của Ấn Độ đã nhận được chứng chỉ sản xuất an toàn từ cơ quan quản lý thuốc và dược phẩm của Mỹ, EU, Australia và Nhật Bản. Việc sản xuất thiết bị y tế, thiết bị phẫu thuật và máy móc dược phẩm ở Ấn Độ đã phát triển mạnh. Trong khi Việt Nam là một đối tác nhiều tiềm năng, với nền kinh tế năng động và phát triển nhanh chóng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng tăng lên. Việt Nam tiêu thụ trung bình 60.000 tấn dược phẩm mỗi năm.

Việt Nam hiện cũng là một trong hai nước ở Đông Nam Á xuất khẩu các sản phẩm bảo hộ y tế phục vụ chống Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu về một số sản phẩm bảo hộ y tế tại Ấn Độ là rất lớn.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy- Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghiệp hỗ trợ- Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)- cho biết, ngành dệt may đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và là ngành xuất khẩu chủ lực thứ hai của Việt Nam. Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung, chuỗi cung ứng và đầu ra.

Với các FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đặc biệt Hiệp định Thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực từ 01/8 vừa qua, để được hưởng ưu đãi với thuế suất 0%, hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ hai công đoạn, tức là nguyên liệu vải phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước trong Hiệp định, do vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và xuất xứ hàng hóa, qua đó tận dụng triệt để lợi thế của các FTA này.

Bà Hoàng Ngọc Ánh- Quyền Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, trước dịch Covid-19, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện và hội chợ liên quan tại Ấn Độ. Bà Ánh cũng cho rằng, sau khi dịch Covid-19 Ấn Độ là một đối tác đáng tin cậy, không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu mà còn máy móc cho Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã trình bày về thế mạnh, năng lực và nhu cầu hợp tác. Các doanh nghiệp nhất trí Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực nhưng cũng là bài học quan trọng để đa dạng hóa nguồn cung và hợp tác.

Trong phần hỏi đáp, bà Phạm Minh Hương- nguyên Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về thực trạng ngành Dệt may và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực này.

Bùi Trung Thướng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang