Tăng cường phòng chống dịch tại các cụm công nghiệp- Hà Nội quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất

author 06:42 22/05/2021

(VietQ.vn) - Trước diễn biến hết sức phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra các cụm công nghiệp trên địa bàn về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất..

Thực hiện Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND ngày 12/5/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 liên quan các khu công nghiệp, khu chế xuất cụm công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã lập đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố trong các ngày từ 18 đến 21/5/2021.

Cụm công nghiệp huyện Thanh Oai- Cần tăng cường quản lý người ra, vào cụm

Đến kiểm tra Cụm công nghiệp Thanh Oai (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai), ông Bùi Đình Dư- Trưởng ban quản lý Cụm công nghiệp Thanh Oai cho biết, tại cụm có 33 doanh nghiệp đang hoạt động trên diện tích khoảng 58ha với hơn 3.000 công nhân. Cụm đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, tăng cường kiểm tra nhắc nhở các doanh nghiệp đang hoạt động trong CCN về công tác phòng chống dịch Covid-19 theo khẩu hiệu "5K" của Bộ Y tế.

Công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp đã được triển khai bài bản. Các doanh nghiệp đã trang bị máy đo thân nhiệt để kiểm tra người ra vào đơn vị, thực hiện công tác sát khuẩn, đeo khẩu trang tại nơi làm việc… Ban quản lý CCN cũng thường xuyên cập nhật tình hình tại các doanh nghiệp trong cụm để nắm bắt, có biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay, trên địa bàn cụm có 1 trường hợp F1 và đã tiến hành cách ly tại khu tập trung, 62 trường hợp F2 đã được cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, do hiện tại tuyến đường trong CCN là đường dân sinh nên Ban quản lý khó khăn trong việc kiểm soát người ra, vào CCN. Ông Dư cũng thừa nhận, chưa hoàn thiện yêu cầu của Sở Công Thương về việc lập danh sách cụ thể tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của từng công nhân, nhóm đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ đạo tại Công điện số 07/CĐ-UBND.

Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu đơn vị quản lý Cụm công nghiệp cần lập trạm kiểm soát việc ra, vào CCN, cũng như xây dựng tường bao, rào chắn nhằm quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa không để dịch bệnh tấn công, làm gián đoạn chuỗi sản xuất.

 Đoàn kiểm tra làm việc với Công ty TNHH B.Braun Việt Nam

Đoàn đã đến kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH B.Braun Việt Nam đóng trên địa bàn Công nghiệp Thanh Oai. Đây là đơn vị sản xuất dịch truyền tĩnh mạch và các sản phẩm y tế sử dụng một lần, với hơn 1.500 công nhân nên công tác phòng dịch được công ty chuẩn bị hết sức cẩn thận ngay từ những ngày đầu.

Đợt dịch bùng phát vừa qua, B.Braun có 1 công nhân là F1 đã được đưa đi cách ly tập trung, 62 công nhân là F2, công ty đã bố trí cho người lao động cách ly tại nhà, những người vẫn làm việc trực tuyến thì được hưởng lương 100%, còn với người bị cách ly, công ty vẫn chi trả 70% lương.

Theo ông Hùng, tất cả các biện pháp phòng dịch trong công ty đã được kích hoạt ở mức cao nhất, như các tay vịn cầu thang, bề mặt tiếp xúc đều được lau rửa bằng cồn 6 lần/ca làm việc. Công nhân đến làm việc đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, bảo đảm khoảng cách 1m. Tại bếp ăn được bố trí những tấm chắn ngăn giọt bắn…

Ông Hùng cũng cho biết, công ty đã lên phương án nếu xảy ra trường hợp dịch bệnh tấn công thì sẽ tiến hành cách ly toàn bộ người lao động tại chỗ để duy trì sản xuất.

Cụm Công nghiệp huyện Quốc Oai- Chuẩn bị đầy đủ các phương án, kịch bản chống dịch

Theo Báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai, CCN Ngọc Liệp hiện có 24 đơn vị đang hoạt động với các ngành nghề chủ yếu gồm: sản xuất chế biến gỗ; gia công cơ khí; sản xuất đồ gia dụng; thiết bị nhà vệ sinh; sản xuất bê tông. Còn tại CCN Yên Sơn với 6 đơn vị đang hoạt động với các ngành nghề chủ yếu gồm: Chế biến gỗ; sản xuất bánh kẹo; xuất khẩu lao động; sản xuất bê tông và kinh doanh xăng dầu.

Số cán bộ công nhân viên đang làm việc, sản xuất tại 2 CCN này là 2.218 người. Trong đó, CCN Yên Sơn là 133 người, CCN Ngọc Liệp là 2.085 người. Cả 2 CCN này đều không có chuyên gia nước ngoài.

Hiện hoạt động sản xuất kinh doanh ở 2 CCN vẫn diễn ra bình thường. Các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng dịch như: phun khử khuẩn xe ô tô chở hàng ra, vào khu vực sản xuất; công nhân phải đeo khẩu trang khi đến làm việc, được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đi qua buồng khử khuẩn tại cổng ra vào...

Ông Hoàng Nguyên Ưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Chỉ đạo phòng kinh tế, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai yêu cầu các doanh nghiệp trong CCN chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính với Covid-19 (F0) theo quy định của Bộ Y tế.

Thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn, tuyên truyền công tác phòng chống dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp tại CCN Ngọc Liệp và Yên Sơn. Yêu cầu doanh nghiệp tăng cường cảnh giác với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp với việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

Huyện đã xây dựng phương án, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án, kịch bản đáp ứng từng cấp độ để chủ động cho công tác phòng chống dịch. Triển khai kế hoạch đảm bảo phòng chống dịch, an toàn thực phẩm trong đợt bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới...- ông Hoàng Nguyên Ưng cho hay.

Đoàn kiểm tra làm việc với Công ty CP Tomeco An Khang

Là đơn vị nằm trong CCN Ngọc Liệp, Công ty CP Tomeco An Khang đã thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19. Ông Lê Quý Khả- Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, các công nhân đều được kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào xưởng sản xuất. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh phức tạp, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, những công nhân có lịch trình di chuyển liên quan vùng dịch phải khai báo cụ thể; tự cách ly tại nhà từ 14 đến 21 ngày. Để đảm bảo phòng chống dịch, bên cạnh việc phát khẩu trang cho người lao động, công ty còn phát Vitamin C miễn phí cho công nhân để nâng cao sức đề kháng.

Quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất tại các cụm công nghiệp

Đoàn công tác của Sở Công Thương đã làm việc với huyện Thường Tín và huyện Gia Lâm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín) và Phú Thị (huyện Gia Lâm).

Thông tin với đoàn kiểm tra, ông Bùi Công Thản- Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động tương đối ổn định với tổng diện tích gần 195ha, hơn 172 doanh nghiệp và trên 500 hộ sản xuất, kinh doanh, số lượng lao động làm việc trên 5.000 người.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Thường Tín cũng như trong các cụm công nghiệp đã được triển khai quyết liệt theo sự chỉ đạo của thành phố. Công tác phòng chống dịch được các doanh nghiệp thực hiện cơ bản đầy đủ, nghiêm túc theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Đến nay, qua báo cáo của chủ đầu tư, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm đã xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp nghi nhiễm, nhiễm Covid-19; thành lập Tổ an toàn Covid-19, thực hiện rà soát đối với những người lao động có nguy cơ cao, người lao động là chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Kết quả rà soát, hiện có 6 người là lao động nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, đã thực hiện khai báo y tế và lịch trình di chuyển cụ thể…

Tại huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Đức Hồng- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp, 2 cụm công nghiệp là Phú Thị và Ninh Hiệp. Thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo Phòng Kinh tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra và kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp... Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đã xây dựng các phương án cụ thể với từng tình huống cụ thể.

 Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu chủ động phòng chống dịch bệnh

Đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (trong Cụm công nghiệp Quất Động huyện Thường Tín) và Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (Cụm công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm), ghi nhận sự chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các đơn vị này.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống dịch Covid-19 được UBND huyện, Ban quản lý các cụm công nghiệp cũng như trực tiếp các doanh nghiệp triển khai, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng chống dịch tại một số đơn vị, như: khoảng cách bố trí công nhân một số vị trí chưa được đảm bảo; các trang thiết bị y tế còn hạn chế; chưa có nhiều băng rôn tuyên truyền chống dịch tại đơn vị….

Để tăng cường công tác phòng chống dịch tại các cụm công nghiệp, ông Đàm Tiến Thắng yêu cầu, Ban quản lý các CCN cần tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại các doanh nghiệp, rà soát, lập cơ sở dữ liệu cụ thể về từng công nhân tại các doanh nghiệp trong CCN để có thể phân loại nhóm có nguy cơ cao, từ đó ứng phó tốt với phòng chống dịch bệnh.

Từng doanh nghiệp cũng như Ban quản lý CCN cần có phương án, kịch bản cụ thể ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh nhằm bảo vệ an toàn người lao động, đồng thời duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất tại các cụm công nghiệp- ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang