Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm

author 06:47 23/09/2017

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả và vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc tổ chức ngày 21/9, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, ở nước ta, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm 88% ở thành thị, 91% ở nông thôn. Người dân có thói quen tự ý mua thuốc, không khám bệnh để tránh sự phiền hà, tốn kém khi đi khám.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh điều trị không tuân thủ đầy đủ liệu trình cũng tăng cao. Nhiều bệnh nhân thừa nhận chỉ dùng kháng sinh trong thời gian ngắn 2-3 ngày hoặc tự cảm thấy bệnh hơi đỡ là dừng dùng thuốc.

“Chất lượng kháng sinh trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng kháng sinh giá rẻ không kiểm soát được chất lượng khiến hiệu quả điều trị giảm, ngày điều trị kéo dài ”, ông Lương Ngọc Khuê nói.

Đây là những lý do chính dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta hiện nay. Việc tự ý sử dụng thuốc còn gây ra nhiều tác hại về bệnh tật, tăng tỷ lệ nhập viện, tử vong...

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, tại Việt Nam đã phát hiện nhiều vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc, điều này rất đáng báo động. Bởi nếu bệnh nhân nhiễm bệnh do các vi khuẩn này sẽ không biết dùng thuốc gì để chữa trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sức khỏe đời sống 

Ngoài ra, trong bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị các bệnh do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu vàng đều kháng lại nhiều loại kháng sinh. Các nghiên cứu chỉ ra vi khuẩn gram âm cũng kháng nhiều loại kháng sinh với tỉ lệ rất cao. Có những bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng kháng sinh và bác sĩ cộng nhiều kháng sinh thế hệ mới để cùng tấn công vi khuẩn nhưng vẫn thất bại. Khi đó, dù bác sĩ có cố gắng thế nào cũng không cứu được.

Hiện, nước ta đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn, trong đó các hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc đã bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn, lực lượng quản lý còn mỏng.

Chế tài xử phạt cũng còn nhẹ, không hạn chế được tình trạng bán thuốc không kê đơn. Ví dụ như, hành vi bán lẻ loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000-500.000 đồng, hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn chỉ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, trong đó có mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Như vậy, Đề án này được kỳ vọng tăng cường kiểm soát việc bán thuốc kê đơn sẽ góp phần giảm tỉ lệ mua thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc thông qua việc nâng cao được nhận thức của người dân về lợi ích mang lại khi đi khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, các quầy thuốc, nhà thuốc tới đây sẽ phải thực hiện quản lý mua bán, sử dụng thuốc bằng máy tính, một mặt để bảo đảm không chỉ bán thuốc khi có đơn mà còn bảo đảm nguồn thuốc chất lượng để người tiêu dùng được sử dụng thuốc có chất lượng, không quá hạn, công khai minh bạch về giá cả.

Phong Lâm

Báo động tình trạng 30% bệnh nhân nhi có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh(VietQ.vn) - Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, có tới 30% trẻ vào điều trị tại bệnh viện này có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang