Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc

author 06:35 24/08/2022

(VietQ.vn) - UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thực tế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp cho người dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện được rất nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu, như một khâu bắt buộc phải có của sản phẩm nếu muốn đưa ra lưu thông trên thị trường. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc mới được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi có chủ trương thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, rau củ quả, thịt heo… của Chính phủ. 

Xác định được vai trò quan trọng của truy suất nguồn gốc hàng hóa, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code trong quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường . Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch.

Hà Nội vừa yêu cầu cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa

 

Cụ thể, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản về việc thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ trưởng Chính phủ về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12/1/2022 của UBND thành phố về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động truy xuất nguồn gốc theo thẩm quyền. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để đánh giá hiện trạng và nhu cầu thực tế làm cơ sở xây dựng “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của thành phố", đảm bảo kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Trước đó, Hà Nội cũng đã thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô cũng đã tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với nhà phân phối, người tiêu dùng. 

Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp với hơn 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10-30%.

Mặt khác, hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm về chất lượng.

Hà Nội trú trọng truy suất nguồn gốc hàng nông sản. Ảnh: Quang Thái

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để đạt mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội xây dựng được 50 liên kết chuỗi đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố, trong đó 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn được ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Thành phố sẽ có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ liên kết hợp tác trong sản xuất; sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất nguồn gốc; ứng dụng kinh doanh thương mại điện tử nhằm tăng cường khả năng phân phối, lưu thông hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới xuất khẩu…

Minh Nghĩa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang