Nhiều doanh nghiệp chỉ tăng trưởng nhờ quy mô, không dựa trên năng suất
WB: Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm để duy trì tăng trưởng kinh tế
Kinh nghiệm quản lý của Singapore và định hướng chiến lược phát triển năng suất cho Việt Nam
Thúc đẩy hợp tác năng suất với Singapore
Năng suất không vượt trội rõ rệt
Theo Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) soạn thảo và công bố, trong giai đoạn 2016-2020, có tổng cộng 823 doanh nghiệp vào/ra danh mục nhóm 500 doanh nghiệp được lựa chọn hàng năm. Con số này khá lớn khi nhìn sang nhóm chỉ số S&P 500 với khoảng 800 doanh nghiệp vào/ra trong 30 năm.
Trong đó, 237 doanh nghiệp giữ vị trí ổn định suốt 5 năm, chiếm 47,4% tổng số doanh nghiệp. Khoảng 18-20% số doanh nghiệp có mặt trong VPE500 của năm trước không có mặt trong năm sau đó. Tỷ lệ này tại nhóm Fortune 500 giai đoạn 1955-2014 thấp hơn (12,2%).
Xét theo từng ngành lĩnh vực, nhóm ngành dịch vụ có mức biến động lớn hơn so với nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ lệ rút khỏi danh mục VPE 500 của ngành dịch vụ là 38,4%, còn tỷ lệ này tại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khoảng 32,8%. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra là bởi tính ổn định của thị trường hoặc chu kỳ đầu tư dài hơn của lĩnh vực sản xuất so với dịch vụ.
Biến động của VPE 500 là khá lớn trong danh mục giữa các năm, theo nhóm nghiên cứu, thời gian và tích lũy là hai yếu tố khá quan trọng trong định hình VPE 500. Cùng đó, mức độ tập trung của khu vực VPE 500 cao, đóng góp doanh thu, tài sản đặc biệt cao ở một số ngành thâm dụng vốn.
Kết quả nghiên cứu trên nhóm 500 doanh nghiệp này cho thấy, 70% số doanh nghiệp tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, cũng là khu vực có nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Ở các tỉnh xa, vẫn có một số VPE 500 gắn với thế mạnh địa phương như các doanh nghiệp kinh doanh cà phê, gỗ ở Tây Nguyên, lĩnh vực chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long hay các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên cả nước có xuất xứ khi thành lập tại một địa phương.
Xét theo năm thành lập, top 500 trên có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động trong giai đoạn 2005-2010 nhờ tác động từ việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2004 cùng tác động tích cực từ việc gia nhập WTO.
Đi sâu vào bức tranh hoạt động của VPE 500, nhóm nghiên cứu nhận thấy tài sản và doanh thu của nhóm VPE 500 đang tăng nhanh nhất so với nhóm doanh nghiệp nhà nước (SOE), doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhóm doanh nghiệp tư nhân (VPEs). Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của VPE 500 không cao hơn nhiều của VPE.
Theo chuyên gia, năng suất lao động không có sự vượt trội rõ rệt ở nhóm VPE 500 cho thấy, tăng trưởng nhóm này vẫn dựa trên mở rộng nguồn lực, tăng quy mô hơn là tăng năng suất lao động.
VPE 500 có khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn doanh nghiệp niêm yết nói chung. Tuy nhiên, ROA, ROE của VPE 500 có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của nhóm VPE 500 niêm yết trên thị trường chứng khoán giảm. Đây cũng là xu thế chung của doanh nghiệp niêm yết và có thể do tác động của đại dịch COVID-19. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, VPE 500 nhìn chung không có sức chống chịu tốt hơn VPEs khi cùng phải chống chịu đối với ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh minh hoạ
Tỷ lệ chi cho R&D thấp
Báo cáo cũng cho thấy, với tiềm lực về quy mô, nhìn chung VPE500 có mức độ công nghệ hiện đại hơn các doanh nghiệp tư nhân khác thể hiện qua một số chỉ số về máy móc thiết bị. Trong đó, tuổi đời của máy móc thiết bị hiện đang sử dụng của VPE500 trẻ hơn so với doanh nghiệp tư nhân khác khoảng một năm.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp của NCIF cho rằng, đây không phải con số quá lớn so với chênh lệch về tuổi đời của máy móc thiết bị của FDI và doanh nghiệp tư nhân nói chung là khoảng 6,8 năm. Tuy nhiên, nếu chia theo số năm sử dụng của máy móc thì thấy khoảng 40% máy móc thiết bị do VPE500 sử dụng có tuổi đời dưới 5 năm, trong khi con số này của doanh nghiệp tư nhân là khoảng gần 37%.
Ngoài ra, VPE500 vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân về tỷ lệ máy móc tự điều khiển. Đây là một trong những chỉ số quan trọng về số hóa sản xuất. Có tới 28% số doanh nghiệp thuộc VPE500 có các trang thiết bị này trong khi chỉ số của doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 8%.
Đáng chú ý, số liệu điều tra cũng phản ánh khá đúng về thực tế hình thành máy móc, thiết bị công nghệ của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Đó là khả năng tự phát triển thông qua đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) cực kỳ thấp. Chỉ khoảng hơn 1% số doanh nghiệp có nguồn gốc hình thành máy móc thiết bị là tự phát triển và điều này đúng cho cả VPE500 và doanh nghiệp tư nhân nói chung.
Phần lớn máy móc thiết bị là từ chuyển giao (trên 96%). Trong khi đó, với tiềm lực lớn hơn, VPE500 có quan hệ chuyển giao từ FDI cao hơn gấp đôi so với doanh nghiệp tư nhân (11,9% so với 5,3%). Kết quả trên cho thấy cơ hội về số hóa, khả năng tiếp cận máy móc và hưởng lợi từ FDI của VPE500 lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân khác.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc doanh nghiệp chi dưới 1% cho R&D là điều thực sự đáng lo ngại. Bởi nếu doanh nghiệp không chi, không đầu tư cho R&D, không đổi mới công nghệ, không có đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số thì có thể vài năm nữa 20% doanh nghiệp của VPE500 sẽ ra khỏi top này và VPE500 sẽ có danh sách mới.
Bảo Lâm