Tăng cường tín dụng xanh, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng

author 06:45 22/03/2023

(VietQ.vn) - Tại dễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 vừa được tổ chức tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội và nhóm công tác đã nêu một số vấn đề và đề xuất liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong đó có tín dụng xanh và chuyển đổi số.

Cụ thể, bà Michele We - Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG) nhận định, các thách thức của năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ những bất định bên ngoài (các cú sốc địa chính trị và kinh tế; lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu và thắt chặt tiền tệ…). Trong nước, áp lực lạm phát cũng gia tăng; tác động từ các biến động trên thị trường tài chính và bất động sản ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, thanh khoản, nhu cầu tín dụng so với rủi ro và kiểm soát tỷ lệ an toàn của ngân hàng…

Đối với kế hoạch chuyển đổi số và cam kết bền vững của Việt Nam sẽ cần đến định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số quốc gia; sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và các cam kết tài trợ tài chính bền vững; xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội với các nội dung môi trường xanh được lồng ghép trong quy trình thẩm định tín dụng và quy trình - sổ tay quản lý/kiểm soát rủi ro ESG; huy động vốn và nguồn lực cho phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tăng cường tín dụng xanh, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng

 Ảnh minh họa.

Để thực hiện những mục tiêu này, BWG khuyến nghị Việt Nam cần lộ trình nhanh chóng để áp dụng năng lượng xanh và khuôn khổ tài chính xanh phù hợp cho các dự án có khả năng vay vốn ngân hàng thông qua các hành động như: Phát triển công cụ tài chính chuyển tiếp, chuẩn bị cho báo cáo môi trường – quản trị - xã hội (ESG); bắt đầu chuyển đổi danh mục đầu tư, các yếu tố trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính, hỗ trợ tài trợ chuyển đổi với một số khuyến nghị như hướng dẫn chi tiết hơn về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá - tiêu chuẩn báo cáo, phát triển thị trường trái phiếu xanh; đòn bẩy về tài chính hỗn hợp. Điều này có nghĩa là Quy hoạch Điện 8 cần cung cấp lộ trình rõ ràng của các dự án, một chính sách cụ thể về đảm bảo tỷ giá hối đoái, khả năng tài trợ năng lượng nhiều hơn đáng kể và Hợp đồng mua bán điện đạt tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng.

Việt Nam cũng cần phối hợp làm việc giữa các bộ ngành với Nhóm các nước đối tác quốc tế (IPG) và Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ) dưới sự bảo trợ của Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) trong Kế hoạch huy động nguồn lực cho Việt Nam.

Đối với tăng trưởng xanh, ngành tài chính - ngân hàng phối hợp cộng đồng doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ JETP tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân.

Liên quan đến động lực tăng trưởng trong năm nay, bà Michele We lưu ý, mặc dù lạm phát của Việt Nam đã được kiểm soát cho đến nay, những áp lực về giá cả vẫn là thách thức lớn trong năm 2023 do tác động từ những yếu tố ảnh hưởng đến lượng cầu. “Do đó, chúng tôi kiến nghị NHNN luôn thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ (VND) và các dấu hiệu bất ổn tài chính, cùng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, tập trung cho đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng”, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng (BWG) để xuất và cho biết mong muốn NHNN phân bổ tín dụng hợp lý để đảm bảo nhu cầu của các ngân hàng cũng như đáp ứng việc tiêu dùng của người dân.

Trước đó như Chất lượng Việt Nam đã thông tin, bà Michele Wee nhận định cần xây dựng bộ quy chuẩn điều kiện xanh với tiêu chí cụ thể sẽ hoạt động như kim chỉ nam để hướng dẫn các ngân hàng trong nước và quốc tế, thúc đẩy tín dụng xanh hiệu quả hơn.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang