Quảng Trị: Tăng cường truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng nông, thủy sản
Doanh nghiệp có thể tự lập mã truy vết tài sản trong truy xuất nguồn gốc?
Nguyên tắc cấp mã truy vết vận chuyển trong truy xuất nguồn gốc
Yêu cầu chung đối với mã truy vết vật phẩm trong truy xuất nguồn gốc
Yêu cầu chung đối với mã truy vết vật phẩm trong truy xuất nguồn gốc
Nhận diện 4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá
Truy xuất nguồn gốc thủy sản tại cảng cá, khắc phục thẻ vàng IUU
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 2.648 tàu cá với tổng công suất hơn 147.900 CV. Trong đó, có 346 tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản) và đã hoàn thành việc đăng ký cho 241 tàu, đạt tỷ lệ 69,65%. Việc này giúp tăng cường quản lý và đảm bảo tính minh bạch trong khai thác thủy sản của tỉnh.
Nguồn gốc, chất lượng thủy sản được chú trọng. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, tỉnh đã ghi nhận sự tiến bộ trong việc giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cảng cá đã thu thập được 4.868 cuốn nhật ký/4.868 lượt tàu cá cập cảng, đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vẫn còn gặp nhiều thách thức, với 46 vụ vi phạm bị xử phạt.
Để khắc phục hạn chế, Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp tàu kiểm ngư nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn có sự hỗ trợ trong việc áp dụng Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) để nâng cao hiệu quả quản lý.
Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp
Không chỉ tập trung vào thủy sản, Quảng Trị cũng triển khai khảo sát hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong các lĩnh vực nông sản. Từ tháng 2 đến tháng 7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện khảo sát với 39 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, gạo, nước mắm và các sản phẩm OCOP khác. Qua đó, đã có những đánh giá khách quan về việc triển khai truy xuất nguồn gốc hiện nay.
Theo kết quả khảo sát, 23 trong 39 đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, ISO, HACCP. Tuy nhiên, vẫn còn 14 đơn vị chưa quan tâm đến việc sử dụng mã số, mã vạch trong quản lý sản phẩm. Hệ thống truy xuất nguồn gốc chủ yếu sử dụng tem QR nhưng việc chuẩn hóa nội dung và hình thức vẫn chưa đạt yêu cầu. Điều này gây khó khăn trong kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bên trong chuỗi cung ứng.
Ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm nông sản. (Ảnh minh họa)
Các đơn vị đã nhận thấy lợi ích từ việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu hướng dẫn chi tiết và hệ thống thông tin đồng bộ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong liên kết và quản lý dữ liệu.
Giải pháp đồng bộ cho tương lai
Trước tình hình này, Quảng Trị đang đẩy mạnh việc nâng cao năng lực áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ thương mại. Tỉnh sẽ chuẩn hóa thông tin truy xuất, đồng thời kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia nhằm tăng tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Việc xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP sẽ gắn liền với hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các địa phương và doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ để triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản Quảng Trị trên thị trường.
Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp tăng cường quản lý mà còn là công cụ quan trọng để đảm bảo sự minh bạch, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản Quảng Trị trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Duy Trinh - Thành Long