Tăng cước 3G: Toàn cảnh lí do của nhà mạng

author 14:56 16/10/2013

(VietQ.vn) - Từ hôm nay, đồng loạt nhiều gói cước 3G của các nhà mạng như Viettel, Mobifone, Vinaphone sẽ tăng lên 30%, 40%. Với việc tăng giá này, các nhà mạng lại ôm về hàng ngàn tỷ đồng.

Tăng cước 3G theo quy định nhà nước?

Lý do tăng giá cước dịch vụ 3G được phía Viettel và Mobifone đưa ra là do “thực hiện theo quy định của nhà nước về giá dịch vụ viễn thông không được thấp hơn giá thành” và lần tăng cước 3G này nhằm đưa giá bán tiệm cận dần với giá thành.

Trước đó, Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT&TT) đã duyệt các gói cước 3G cho 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, Mobifone và Vinaphone, tuy nhiên đồng ý cho các nhà mạng tăng giá khoảng 20% so với mức cước hiện tại để đảm bảo việc tăng giá cước không gây ảnh hưởng đến người dùng.

Theo nhà mạng, hiện tại mức giá cước của dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới khoảng 35 đến 70%, do vậy dù điều chỉnh tăng giá cước nhưng tính trung bình hiện giá cước dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung giá cước 3G tại các nước trên thế giới.

Nhà mạng tăng cước 3G 40% với lí do giá thành là chưa hợp lý

Lãi to, các nhà mạng vẫn tăng cước 3G.

Các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết trong thời gian đầu triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dùng và kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp đã bán dưới giá sàn, đưa ra mức cước rất rẻ. Đến nay, số lượng người dùng 3G ngày càng tăng, doanh thu từ 3G so với doanh thu chung vẫn còn thấp, đầu tư cho hạ tầng 3G cũng đang tăng lên rất lớn nên các nhà mạng phải tính đến chuyện tăng cước trở lại cho tiệm cận với giá trần. Việc bán dưới giá trần đang gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các nhà mạng nên họ phải tính đến chuyện tăng cước 3G để bảo đảm hiệu quả kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Các nhà mạng cũng nhấn mạnh đến yếu tố tăng giá để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc VinaPhone cho biết “Đợt điều chỉnh cước Data lần này được căn cứ theo các quy định quản lý giá thành của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời giúp VinaPhone nâng cao hiệu quả đầu tư mạng 3G và tạo điều kiện đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn trong thời gian tới”.

Đại diện các nhà mạng này còn cho rằng hiện giá cước 3G của Việt Nam rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc, rẻ hơn 40 lần so với các nước châu Âu và Việt Nam đang nằm trong nhóm có giá cước 3G rẻ nhất thế giới nên buộc phải tăng giá.

Cơ sở nào để tăng cước 3G 40%

Thế nhưng, những con số về doanh thu trong năm 2012 của các doanh nghiệp viễn thông không hề giảm, lãi hàng ngàn tỉ đồng. Viettel từng công bố doanh thu cả năm 2012 là 141.418 tỉ đồng, tăng 21% so với năm trước. Lợi nhuận của doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 22.000 - 23.000 tỉ đồng.

Cũng vào đầu năm 2013, VNPT cho biết tổng doanh thu của 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone do VNPT quản lý năm 2012 đạt 66.379 tỉ đồng, trong đó doanh thu MobiFone đạt 40.800 tỉ đồng và VinaPhone đạt 25.579 tỉ đồng; MobiFone có lợi nhuận khoảng 6.600 tỉ đồng trên tổng lợi nhuận của VNPT...

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Việt Nam hiện có khoảng 16 triệu thuê bao 3G, trong đó 3 nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel chiếm đến 97% số lượng thuê bao. Hiện các gói cước 3G không giới hạn được sử dụng nhiều nhất. Như vậy, theo tính toán chỉ cần khoảng 1/2 trong tổng số thuê bao 3G tại Việt Nam sử dụng các dịch vụ 3G không giới hạn thì việc tăng cước 20% lần này sẽ tiếp tục mang lại hàng chục tỉ đồng mỗi tháng cho các nhà mạng.

Tuy nhiên, theo nhiều phản hồi của người dùng gửi tới báo, với việc tăng giá cước từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng của 2 nhà mạng Viettel và Mobifone đã tương ứng với mức tăng lên đến 40%, thay vì 20% như quyết định của cục Viễn thông.

Như vậy với lần tăng cước 3G này đây là lần thứ 2 cước 3G được điều chỉnh tăng trong năm nay. Trước đó gói cước 3G trọn gói các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng đã được điều chỉnh tăng từ 40.000 đồng/tháng lên 50.000 đồng/tháng trước khi được điều chỉnh tăng lên thành 70.000 đồng/tháng như vừa được công bố. Đây là lần thứ 2 trong năm 2013, dịch vụ 3G tăng giá cước.

Chất lượng 3G chưa tăng như tiền

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ 3G ở Việt Nam thời gian qua chưa được cải thiện nhiều. Khảo sát về mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng do Cty nghiên cứu thị trường hàng đầu của Mỹ Nielsel và báo Bưu điện Việt Nam thực hiện cho thấy, mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ 3G ở Việt Nam có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Hòa – Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, do công việc hay phải di chuyển nên ông từng sử dụng qua nhiều dịch vụ 3G của các nhà mạng từ khi mới ra đời đến nay và nhận thấy tốc độ truy cập ngày càng chậm. Nếu ở khu vực trung tâm thì việc kết nối internet 3G còn tạm được nhưng khi ra ngoại thành hoặc các tỉnh thì việc kết nối 3G rất khó khăn, lúc được lúc không. “Chất lượng ngày càng giảm so với quảng cáo nhưng không ai kiểm soát, xử lý trong khi giá cước ngày càng tăng, đây là điều bất hợp lý đối với người sử dụng!”.

Khách hàng chưa hài lòng nhất với vấn đề kết nối và chất lượng, đặc biệt là tốc độ đường truyền. Đa phần khách hàng cho biết tốc độ đường truyền 3G ở Việt Nam hiện nay còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Vì thế, việc tăng cước 3G có góp phần làm tăng chất lượng như nhà mạng nói hay không, cần thời gian.

THÔNG TIN VIỆC TĂNG CƯỚC 3G

Tăng cước 3G: Cục Viễn thông lí giải nghi vấn thao túng thị trường

Ngậm ngùi trước cước 3G

Chất lượng 3G sau tăng giá

Tăng cước 3G: Có dấu hiệu bắt tay thỏa thuận giá dịch vụ

Tăng cước 3G: nhà mạng lời "khủng", người dùng ôm con "rùa"

Tăng cước 3G: Nhóm lợi ích bắt tay nhau, người dân chịu thiệt

Duy Anh

Tăng cước 3G: Nhóm lợi ích bắt tay nhau, người dân chịu thiệt
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang