Tăng cước 3G: Cục Viễn thông lí giải nghi vấn thao túng thị trường

author 15:26 17/10/2013

Đột nhiên 3 mạng di động cùng lúc tuyên bố tăng cước 3G, liệu đây có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường không? Đó là một trong những nội dung vừa được Cục Viễn thông lí giải.

Trả lời trực truyến vì sao tăng cước 3G sáng nay, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định các nhà mạng chỉ tăng cước 3G 20% và không hề có chuyện độc quyền.

Luật có cho phép tăng giá cước 3G?

Sở cứ nào để Bộ TT&&TT cho nhà mạng tăng cước 3G?

Luật Viễn thông Quy định tại Điều 55 Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38, Luật Giá quy định tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13, ... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: Giá thành, cung cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế (benchmark). Hiện nay các Doanh nghiệp đang bán dưới giá thành (các Doanh nghiệp chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành), thứ 2 là cung cầu trên thị trường, thứ 3 là giá cước data của Việt Nam rẻ hơn hầu hết các nước trong khu vực và quốc tế.

- Việc quản lý giá cước theo đúng quy định pháp luật hiện hành, phải đăng ký giá cước và Cục đã chấp thuận.

- Các Doanh nghiệp SMP (doanh nghiệp thống lĩnh thị trường) nếu bán dưới giá thành là cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 4 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP) vì các doanh nghiệp nhỏ sẽ không có khả năng vươn lên được, giá thành họ cao hơn.
- Thiết bị viễn thông hầu hết là của nước ngoài, vì vậy hầu hết chi phí hay giá thành cũng khá tương đương với các nước mặc dù thu nhập của nhân dân còn khó khăn hơn so với các nước.

Bộ TT&TT kiểm tra các DN về thực hiện các dịch vụ nói chung chứ không riêng dịch vụ data. Nếu đã nói bù chéo thì không đặt vấn đề giá thành. Trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ quy định về giá thành thì phải chịu sự kiểm tra và trách nhiệm với cơ quan pháp luật.

Hiện nay, nguyên tắc quản lý giá thành và giá cước của Bộ TT&TT từ trước tới nay là trung lập về công nghệ, miễn sao có giá thành hợp lý để cung cấp cho người dân.

Có thể tìm hiểu Thông tư 11 ban hành năm 2013 quy định các dịch vụ cần phải báo cáo giá thành, trong đó không quy định thoại 3G, SMS 3G.. mà chỉ quy định thoại trên mạng di động, truy nhập Internet trên mạng di động. DN phải nghiên cứu chuyển đổi công nghệ để cân nhắc có giá cước hợp lý, cân nhắc có thay đổi công nghệ hay không.

Các doanh nghiệp kinh doanh di động là doanh nghiệp nhà nước, thế thì mục tiêu chính hoạt động của các doanh nghiệp này là gì. Tối đa hóa lợi nhuận hay mở rộng phục vụ khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng với chi phí phải chăng và rộng rãi. Theo báo cáo tổng lãi của các doanh nghiệp này trong năm 2012 không hề nhỏ. ( Viettel là 27.000 tỷ, VNPT là 8.500 tỷ). Vậy nếu cân bằng giữa hai yếu tố này thì tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu như thế nào là phù hợp cho doanh nghiệp theo mô hình này?

Nếu xét trên toàn dịch vụ viễn thông thì hiện nay 3 doanh nghiệp điều chỉnh giá đợt này đều kinh doanh có lãi mặc dù lợi nhuận năm 2013 dự kiến sẽ giảm so với năm 2012. Đã là doanh nghiệp thì dù doanh nghiệp nhà nước, liên doanh hay cổ phần là phải kinh doanh và đều đặt mục tiêu có lợi nhuận. Nhà nước sẽ điều tiết để mục tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng dịch vụ với giá hợp lý.

Không phải tất cả doanh nghiệp di động đều là doanh nghiệp nhà nước như bạn hiểu có doanh nghiệp cổ phần, có doanh nghiệp liên doanh như SPT hay Hanoi Telecom.

Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu chỉ là một trong nhưng tiêu chí doanh nghiệp mong muốn đạt được khi xây dựng phương án kinh doanh. Tỷ lệ này phụ thuộc nhiều vào khả năng của doanh nghiệp và hoàn cảnh thực tế từng thời kỳ ví dụ lạm phát cao, hay tốc độ biến động công nghệ nhanh thì tỷ lệ này cao ngoài tỷ lệ này còn phải tính lợi nhuận trên chi phí, vốn. Nhà nước không xây dựng tỷ lệ chung lợi nhuận trên doanh thu cho doanh nghiệp nhà nước, đó là quyền của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trung lí giải tăng cước 3G

Ông Nguyễn Đức Trung - Phóc Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT (ngồi giữa)

3 nhà mạng đang thao túng thị trường?

Đột nhiên 3 mạng di động cùng lúc tuyên bố tăng cước 3G, liệu đây có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường không?

Đối với các DN thống lĩnh thị trường thì phải đăng ký giá dịch vụ với chúng tôi. 3 DN đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, VMS MobiFone, Viettel và VinaPhone đăng ký điều chỉnh giá cước. Trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp cần phải bổ sung, giải trình phương án chậm nhất là ngày 13/9/2013. Trên cơ sở giải trình của DN thì chúng tôi có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, văn bản chấp thuận được ký cùng một ngày 4/10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp. Chúng tôi không ấn định thời điểm tăng giá thành. Sự trùng thời điểm tăng giá có xuất phát điểm từ phía Bộ TT&TT.

Câu hỏi đặt ra là 3 doanh nghiệp có thị phần rất lớn. Đây là những DN chiếm thị phần khống chế nên phải cung cấp dịch vụ trên giá thành. Nếu 1 trong 3 DN hoặc các DN còn lại không có thị phần khống chế thì có thể cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Không rõ DN có họp với nhau để ra cùng thời điểm hay không, nhưng xuất phát điểm từ phía Bộ là ban hành văn bản chấp thuận trong cùng 1 ngày.

Về việc tại sao Bộ TT&TT ra văn bản chấp thuận cho cả 3 DN trong cùng 1 ngày: khi chúng ta thẩm định phải nhìn bức tranh chung của cả thị trường Việt Nam, nhìn được sự cân đối của thị trường. Sau khi chúng tôi có đầy đủ giải thích, công văn đề nghị cuả doanh nghiệp thì mới có kết luận cuối cùng.

Bộ TT&TT chỉ có chức năng quản lý về mặt kỹ thuật chứ không được quản lý về giá. Việc Bộ cho phép tăng giá lần này có phải là trái nguyên tắc hay không?

Nguyên tắc quản lý Nhà nước đưa ra là quản lý giá là phi đối xứng, hiểu theo nghĩa tất cả các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (SMP) được phép bán trên giá thành. Bộ TT&TT không ấn định giá thành nhưng có ngưỡng để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ, giá bán không được dưới giá thành, còn giá cụ thể do doanh nghiệp đặt ra. Chúng tôi cho rằng như vậy là chúng tôi bảo vệ thị trường. Có những nước để tự do cạnh tranh hoàn toàn và khi đó có sụp đổ thị trường, khi đó, người ta sẽ quay lại quy kết trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về viễn thông.

Trong quản lý thị trường có nhiều vấn đề, trong đó có quản lý về giá. Nhiệm vụ của chúng tôi không để cho thị trường tự chỉ thông qua cạnh tranh mà phải có luật. Không chỉ riêng ngành viễn thông mà các ngành khác chắc cũng có vấn đề giá. Điều đặc thù của ngành viễn thông là tham gia cam kết quốc tế, theo đó, Cục Viễn thông phải tham gia quản lý giá thành. Các nước cũng như tiến hành như vậy. Nếu không làm như vậy thì dẫn đến tình trạng thế nào? Nếu các DN được phép bán dưới giá thành thì doanh nghiệp mới tham gia thị trường không có cơ hội tham gia thị trường này. Theo quy định, những doanh nghiệp mới tham gia thị trường được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành, đó là điều thuận lợi cho các doanh nghiệp mới. Quy định như vậy để DN thống lĩnh thị trường không được phép chèn ép DN mới tham gia thị trường.

Giá cước 3G của Việt Nam có thật sự rẻ hơn các nước Asean? Bộ có thể đưa ra bằng chứng chứng minh việc này?

Vấn đề này chúng ta đã nói nhiều lần, đó là vấn đề giá thành. Theo thống kê, hiện 80% giá thành tính vào cơ sở hạ tầng. Chúng ta không tự sản xuất được thiết bị mà nhập khẩu. Vì thế về nguyên tắc giá thành phải tương đương đồng với các nước trong khu vực. Ví dụ về BTS ở Singapore với ở Việt Nam, mặc dù ở Singapore có mức thu nhập rất cao nhưng giá thiết bị cũng giống hệt như ở Việt Nam. Như vậy sự khác nhau giữa giá thành ở Việt Nam với thế giới có thể từ 2 – 10%. Con số này theo báo cáo DN và chúng tôi sẽ kiểm chứng, anh Sơn bên Cục Quản lý cạnh tranh sau này sẽ kiểm chứng thêm.

Còn kiểm chứng giá các nước thế nào? Hiện nay chúng ta đã có dịch vụ Internet thuận tiện hơn rất nhiều, qua đó chúng ta có thể kiểm chứng được giá. Chúng tôi cũng đã đang làm báo cáo lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên con số chúng tôi cũng không cần chứng minh, mà các anh (chị) có thể vào Website ở các nước trên thế giới cũng như trong khu vực để kiểm chứng giá thế nào. Xin hết.

Thưa ông ngành viễn thông với mục tiêu hướng tới và thực hiện thị trường tự do cạnh tranh nhưng hiện nay các doanh nghiệp viễn thông lại làm người ta liên tưởng đến đến câu chuyện của ngành xăng dầu. Đó chính là sự độc quyền của các ông lớn. Bộ có ý kiến gì về điều này?

Điều bạn giả thuyết là không đúng, viễn thông là một trong nhưng ngành tại Việt Nam có cạnh tranh và cạnh tranh rất tốt nên người dân đã có quyền được lựa chọn dịch vụ và sử dụng giá cước rất hợp lý. Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông Việt nam đều cạnh tranh thông qua giảm giá mà cụ thể là dịch vụ truy nhập internet qua mạng di động giá cước rất thấp so với giá thành và so với giá cước khu vực. Hầu như các thiết bị viễn thông Việt Nam phải nhập, chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn trên 80% trong giá thành trong khi giá cước Việt nam chỉ bằng khoảng 39,6% (sau điều chỉnh) so với ASEAN.

Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa buộc các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng giá cước trên cơ sở giá thành dịch vụ, cung cầu của thị trường và tương quan dịch vụ trong nước và thế giới. Điều đó được quy định tại, Khoản 2 Điều 55 Luật Viễn thông : “Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ sau đây: Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới”. Để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh cần phải tách bạch trong kinh doanh tránh bù chéo giữa các dịch vụ. Từ khi ra đời dịch vụ di động 3G để thu hút khách hàng, tăng lưu lượng sử dụng, doanh nghiệp đã giảm giá cước truy nhập internet xuống dưới giá thành rất nhiều lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này. Nhận biết được việc này Bộ đã yêu cầu dịch vụ phải báo cáo giá thành có dịch vụ truy nhập internet qua mạng di động (Tại Thông tư 11/2013/TT-BTTTT có quy định: Dịch vụ truy nhập Internet (2G, 3G) nằm trong Danh mục dịch vụ viễn thông thực hiện báo cáo giá thành) và có quy định tại Thông tư 18/2013/TT-BTTT yêu cầu dịch vụ truy nhập internet qua mạng di động phải đăng ký giá cước đối với doanh nghiệp SMP.

Với giá cước như trước điều chỉnh 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm và nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lại doanh nghiệp sẽ tiếp chỉnh điều chỉnh tăng cước như lộ trình doanh nghiệp đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ.

Tăng 40% hay 20%?

Có thông tin nói cước 3G của các mạng di động đồng loạt tăng 40% là đúng hay không? Được biết Bộ TT&TT đồng ý cho doanh nghiệp chỉ tăng khoảng 20% cước 3G nhưng nhà mạng lại công bố giá cước tăng đến 40%, phải chăng nhà mạng đang làm trái quy định của Bộ TT&TT?

Cảm ơn về câu hỏi thú vị. Như đã nói, chúng tôi không ấn định mức cước của DN. Vừa rồi có một số giải thích về gói cước và chất lượng, tôi xin có giải thích tổng thể luôn. Ngày 4/10, Cục Viễn thông ký văn bản chấp thuận việc điều chỉnh giá cước của DN. Ngoài nguyên tắc tăng giá cước trên cơ sở giá thành, thì cũng có một nguyên tắc cơ bản là DN phải công bố thông tin về gói cước và chất lượng do doanh nghiệp cam kết tới khách hàng. Cục VT cũng có công cụ để kiểm tra và thường xuyên kiểm tra DN về cam kết chất lượng dịch vụ.

Hầu hết các nước trên thế giới đến thời điểm này đều dựa vào cam kết của DN về chất lượng. Về chất lượng, chúng tôi sẽ làm thêm một bước chặt chẽ hơn đối với DN. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn về 3G. Vừa rồi, khi trả lời về chất lượng, DN giải thích vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng trên quan điểm DN. Về phía Bộ TT&TT sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, sẽ quy định rõ vùng phủ sóng,… sau này khi tiêu chuẩn được ban hành chúng tôi sẽ đánh giá chất lượng trên cơ sở này. Đây là 1 thách thức đối với các DN.Tất nhiên, tiêu chuẩn khi xây dựng, ban hành sẽ được Bộ TT&TT lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp.

Bổ sung câu hỏi về chất lượng, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn. Nếu DN vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Đề nghị doanh nghiệp ngoài việc công bố gói cước thì phải công bố công khai cam kết về chất lượng cho khách hàng biết.

Liên quan câu hỏi mức cước bao nhiêu? Chúng tôi không ấn định tăng bao nhiêu. Nhưng tính toán cho thấy đợt này trung bình giá cước tăng khoảng 20%. Thực ra có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn. Thuê bao của Viettel có thể chọn gói giảm 40% chứ không nhất thiết chọn gói đắt. Nên chọn gói cước phù hợp với mình. Khi dung lượng tối đa với gói cước đã hết, nhà mạng có thông báo gói cước đã hết, khách hàng có thể mở rộng gói cước. Có thể có 1 gói cước tăng nhiều lần nhưng tùy thuộc túi tiền của khách hàng. Nhiều người quan tâm tốc độ tải dữ liệu thì quan tâm gói đắt. Thu nhập thấp thì quan tâm gói nhỏ. Hoàn toàn do lựa chọn của khách hàng: nhiều tiền vào nhà hàng đắt tiền, ít tiền vào hàng ăn bình dân.

Cơ sở nào để Bộ TT&TT đưa ra mức điều chỉnh 20%?

Như chúng tôi đã nêu, phía cơ quan quản lý nn chỉ đặt ra ngưỡng để quản lý, tiến tới ko dưới giá thành. Con số 20% không ý nghĩa lắm. Sau này khi DN thống kê, chúng ta sẽ thấy thực sự nó sẽ thay đổi thế nào, lúc đó mới biết được chính xác nó bao nhiêu %.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang