Tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2024- Mục tiêu khó nhưng có cơ sở thực hiện

author 22:11 06/12/2023

(VietQ.vn) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy, về cả 3 mặt đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Như vậy, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2024 là một mục tiêu khó nhưng có cơ sở thực hiện.

Chiều 6/12/2023, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2023 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: tại Phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đâu là nguồn lực để chúng ta thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5% trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa kết thúc, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 103 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2024.

 Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương: mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2024 khó nhưng có cơ sở thực hiện

Một trong những mục tiêu rất quan trọng của Nghị quyết 103 đó là mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6-6,5%, trên tinh thần quán triệt các kết luận của trung ương Đảng, trên cơ sở phân tích các thuận lợi, khó khăn và khả năng đạt được trong năm 2024.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết 103 của Quốc hội cũng đã nêu ra 12 nhóm giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để thực hiện tất cả các mục tiêu nhiệm vụ. Trong đó để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thì ngay từ giải pháp số 01 của Nghị quyết 103 đã tập trung vào giải pháp này.

Trước đây, chúng ta thường đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô lên trước sau đó mới đến các mục tiêu giải pháp khác. Đến năm 2024, Quốc hội đã ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này giúp thấy được quyết tâm của toàn hệ thống cũng như Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những giảm sút trước đây do dịch Covid-19 và khó khăn trong năm 2023- Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 103 của Quốc hội, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng Nghị quyết số 01 của Chính phủ để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

Dự thảo Nghị quyết cũng đã được hoàn thành và trong Phiên họp Chính phủ thường kì tháng 11, Bộ Kế hoạch đầu tư trình dự thảo đầu tiên để các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu và hoàn thành dự thảo Nghị quyết này để trình lên phiên họp Chính phủ với các địa phương vào đầu tháng 1/2024, tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Đây là Nghị quyết trọng tâm, xương sống trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2024, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có tập trung nhấn mạnh các giải pháp thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%. Trong dự thảo Nghị quyết 01 về chủ đề điều hành năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất có một nội dung quan trọng đó là đề xuất với Chính phủ có phương châm là phát triển vững mạnh, để tận dụng được các cơ hội.

Về cơ hội để chúng ta tăng tốc, phát triển bứt phá trong năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, các kết quả cuối năm 2023 hiện nay cơ bản rất tích cực, mặc dù không đạt những mục tiêu cao như chúng ta kỳ vọng hay đặt ra ban đầu, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả như vậy là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy về cả 3 mặt đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Ví dụ, xuất khẩu đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Đối với tiêu dùng, trong báo cáo 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên 9% tiệm cận với hai con số như trước thời kỳ dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực đầu tư, một lĩnh vực hết sức quan trọng, cả 3 mặt: đầu tư nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, cơ hội đầu tư trong năm 2024 là khá tốt, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, nhất là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư tư nhân mặc dù năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn do tác động của các bất cập thị trường trong nước như thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, nhưng qua đánh giá sơ bộ cho thấy, năm 2024, khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của các thị trường này khá tốt. Như vậy, kích thích được đầu tư trong nước gắn với phục hồi thị trường xuất khẩu có thể khởi sắc hơn.

Qua rà soát cho thấy, khả năng thực hiện mục tiêu 6-6,5%, tương đương với mức bình quân trung mục tiêu đặt ra 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng là một mục tiêu khó, bởi năm 2024 còn nhiều khó khăn mà chúng ta chưa dự báo được. Ví dụ như chiến sự các khu vực trên thế giới diễn ra chưa dự báo kết thúc cũng như những vấn đề mới phát sinh.

Như vậy, với những gì đã đề xuất trong dự thảo Nghị quyết 01, Bộ Kế hoạch và Dầu tư cũng kỳ vọng hoàn thành những mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra- Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh. 

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang