Tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

author 06:40 25/12/2022

(VietQ.vn) - Đại diện một số doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, Nghị định 31 nói riêng và các chính sách hỗ trợ khác nói chung là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển sau đại dịch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.

Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều biến động, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Điển hình là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ lãi suất, giúp các đối tượng này phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19.

Tiếp sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 để hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện Nghị định nêu trên. Đây là chính sách sử dụng ngân sách Nhà nước có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. 

Các chính sách hỗ trợ là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển. Ảnh minh họa.

Theo Nghị định, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: (1) Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. (2) Thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Sau quá trình đi vào triển khai, giới chuyên gia đánh giá, chính sách đã thực sự phát huy tác dụng, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận. Đại diện một số doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, Nghị định 31 nói riêng và các chính sách hỗ trợ khác nói chung là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận với chính sách. Cụ thể, trao đổi với báo chí, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi các chi phí đều tăng, đơn hàng sụt giảm, để duy trì hoạt động, vấn đề chính yếu đối với các doanh nghiệp vẫn là vốn. Qua đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.

“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn được tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi cho phát triển cơ khí, công nghiệp hỗ trợ. Nhưng hầu hết doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Trong  2 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đều hoạt động không có lãi, họ phải gồng mình vượt khó, tài sản có thể thế chấp cũng đã sử dụng, dẫn tới không thể vay được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ưu đãi 2% lãi suất từ nhà nước là chính sách tốt nhưng khó tiếp cận”, ông Long nói.

Vì vậy, để cộng đồng doanh nghiệp nhận được các ưu đãi từ chính sách, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất, nhà nước xem xét giữ mức lãi suất hợp lý với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động...

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang