Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt ‘bão’ Covid-19

author 07:20 04/07/2021

(VietQ.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tiếp tục xây dựng các chính sách tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt “bão” dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống cho người dân.

Hiện, đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao như Bắc Giang, Bắc Ninh… đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, để phần nào giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, hạn chế tối đa nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, việc xây dựng chính sách tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách.

Tiếp tục xây dựng các chính sách tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách. Ảnh minh họa.

Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. 

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực. 

Theo PGS, TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ là rất đúng đắn và nhân văn. Hiện nay là thời điểm nhiều công nhân lao động “đói” việc làm, tiền lương và thu nhập giảm. Lúc này, “cánh tay nhân ái” từ phía Đảng và Nhà nước đưa ra giúp đỡ công nhân lao động là thật sự cần thiết.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định, điều căn bản nhất đối với những người làm chính sách, điều hành chính sách, thực hiện chính sách là làm sao để sự hỗ trợ đến tận tay và kịp thời với người lao động và người sử dụng lao động. Cần minh bạch, công khai, rõ ràng tiêu chuẩn của đối tượng được hưởng sau đó mới bàn đến mức được hưởng. Kinh nghiệm rút ra từ đợt một hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng sẽ là cần thiết để triển khai hỗ trợ đợt hai này. 

“Tiền hỗ trợ đáng quý, nhưng nếu chi trả không đúng sẽ dẫn đến thực hiện sai lệch. Vì thế cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát nhằm phát hiện ra những khiếm khuyết trong việc hỗ trợ người lao động cũng như doanh nghiệp”, PGS, TS Vũ Quang Thọ nêu quan điểm.

Quyết liệt chống dịch, hồi phục kinh tế mạnh mẽ(VietQ.vn) - Phải thực hiện “mục tiêu kép” một cách linh hoạt và tốc độ “mở cửa” nền kinh tế đến đâu về cơ bản tỷ lệ với tốc độ đạt được miễn dịch cộng đồng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang