Công nghệ VAR sẽ được dùng trong trận Việt Nam vs Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019

author 06:35 24/01/2019

(VietQ.vn) - Công nghệ VAR sẽ được sử dụng hỗ trợ trọng tài từ vòng tứ kết Asian Cup 2019. Trận đấu giữa Việt Nam vs Nhật Bản là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng ở giải đấu cao nhất châu lục.

Sự kiện: bóng đá

Đội tuyển Việt Nam gặp Nhật Bản lần đầu tiên áp dụng VAR tại Asian Cup 2019

Theo thông tin từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), công nghệ VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài) sẽ bắt đầu được sử dụng từ vòng tứ kết Asian Cup 2019. Trong đó, trận đấu giữa Việt Nam vs Nhật Bản diễn ra lúc 20h00 tối nay (24/1) sẽ là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại giải đấu.

Trước đó, vào sáng ngày 22/1, đại diện ban trọng tài Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã tới khách sạn đội tuyển Việt Nam để phổ biến kiến thức và hướng dẫn về công nghệ VAR cho các tuyển thủ. Với việc đưa công nghệ VAR vào vòng tứ kết Asian Cup 2019, AFC mong muốn công nghệ này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các trọng tài có thể đưa ra quyết định chính xác hơn trong các tình huống gây tranh cãi.

Đại diện AFC phổ biến công nghệ VAR cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF 

Tuy nhiên, AFC cũng quy định rõ ràng về những trường hợp nào cần thiết sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ VAR. Đó là các tình huống liên quan tới bàn thắng hay không bàn thắng, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và lỗi nhận diện sai (lỗi của trọng tài).

Công nghệ trên được vận hành khá đơn giản khi trọng tài chính điều hành trận đấu sẽ được kết nối thông tin với trọng tài video thông qua tai nghe. Sau đó, trọng tài sẽ sử dụng ký hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật để yêu cầu xem lại tình huống. VAR chỉ có ý nghĩa giúp trọng tài nhìn nhận, đánh giá lại tình huống và trọng tài vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.

AFC cũng nhấn mạnh chỉ duy nhất trọng tài chính mới là người được quyền ra dấu hiệu sử dụng công nghệ VAR (sau khi nhận được thông tin phát ra từ trọng tài trợ lý phụ trách video). Các đội bóng không được quyền khiếu nại hay gây áp lực với trọng tài để yêu cầu xem lại tình huống gây tranh cãi.

HLV Park Hang-seo dặn dò các cầu thủ trong việc tận dụng ưu điểm của công nghệ này. Ảnh: VFF 

Sau khi có quyết định từ AFC, tuyển Việt Nam cũng đã được lên dây cót tinh thần để tiếp nhận công nghệ này. HLV Park Hang-seo đã nhắc nhở các học trò cần lắng nghe kỹ để vận dụng phù hợp, tận dụng mọi ưu điểm của công nghệ VAR. Chiến lược gia người Hàn Quốc cũng nhấn mạnh các cầu thủ phải tuyệt đối tôn trọng quyết định của trọng tài, không áp đặt nhận định của cá nhân mình lên quyết định của trọng tài và chỉ được phép dừng chơi bóng khi có tiếng còi của trọng tài cất lên.

VAR có từ khi nào?

Công nghệ VAR nổi tiếng từ World Cup 2018 và nay đã được ứng dụng khá nhiều trong bóng đá. Được biết, VAR là một phần trong dự án đầy tham vọng của Hiệp hội Bóng đá Hoàng gia Hà Lan (KNVB) có tên Refereeing 2.0 (trọng tài 2.0) nhằm tạo ra cuộc cách mạng cho công tác trọng tài. Ông Lukas Brud, Thư ký của Liên đoàn Bóng đá thế giới (IFAB) cho biết trọng tài là người duy nhất không thể nhìn nhận chính xác điều gì đang diễn ra nhưng lại là người duy nhất nên biết. Liên đoàn muốn giúp trọng tài không phạm phải các sai lầm mà ai cũng có thể nhìn ra ngay lập tức.

Một trong các thành công đầu tiên của dự án nêu trên là việc giới thiệu công nghệ goal-line của FIFA năm 2012 sau 2 năm thử nghiệm bởi KNVB. Tại các trận đấu World Cup, trọng tài ngay lập tức được cảnh báo khi bóng vượt qua vạch vôi nhờ công nghệ được công ty Hawk-Eye của Anh phát triển.

Năm 2014, KNVB bắt đầu kiến nghị để giới thiệu trợ lý video trong các trận đấu. Tuy nhiên, chỉ sau khi Sepp Blatter từ chức Chủ tịch FIFA, dự án mới được xem xét đúng mức.Tháng 10/2015, Chủ tịch FIFA mới Gianni Infantino tổ chức hội nghị tại trụ sở FIFA ở Zurich, Thụy Sỹ để cân nhắc đề xuất VAR của Hà Lan. Ý tưởng được đón nhận nhiệt tình và phần lớn thành viên trong tổ chức đều muốn tìm ra giải pháp ngăn chặn các tranh cãi xuất phát từ các quyết định sai lầm của trọng tài.

Công nghệ VAR góp phần giúp các trận đấu công bằng hơn. Ảnh: VFF 

Tuy vậy, khi ấy, công nghệ vẫn chưa được thử nghiệm trong các trận cầu đỉnh cao. Hà Lan chỉ thử nghiệm tại giải bóng đá trong nước mùa giải 2012-2013. Tháng 3/2016, tại cuộc họp thường niên của IFAB, quyết định thử nghiệm trong 2 năm nhằm đánh giá VAR mới được đưa ra. VAR được thử nghiệm đầu tiên trong hai trận đấu giao hữu giữa Ý – Tây Ban Nha và Ý – Đức. Năm 2017, VAR được thử tại nhiều giải bóng đá quốc gia như Bundesliga (Đức), Seria A (Ý), Primeira Liga (Bồ Đào Nha), League Cup và FA Cup (Anh). Đúng như dự đoán, VAR cũng bị đưa ra mổ xẻ vì nhiều sai sót.

World Cup 2018 diễn ra tại Nga vừa qua là lần đầu tiên VAR được sử dụng xuyên suốt giải. Trọng tài chính, hai trọng tài biên, trọng tài thứ ba và trợ lý trọng tài video (VAR) trao đổi liên tục qua tai nghe. Sau một sự cố, công nghệ VAR có thể góp phần đưa ra đề nghị hoặc trọng tài yêu cầu VAR đưa ra ý kiến. VAR cũng có thể báo cáo các sự cố mà trọng tài bỏ qua. Trong trường hợp này, trọng tài có thể chấp nhận phán quyết của VAR hoặc kiểm tra lại bằng màn hình đặt ở đường biên. Bản thân VAR đặt trong phòng điều hành tại trung tâm Matxcova.

Đội ngũ VAR gồm 1 VAR và 3 trợ lý, tất cả đều là quan chức FIFA. Mỗi một trợ lý lại ở trong phòng điều hành video với 10 màn hình chiếu đủ góc độ. Các màn hình cảm ứng cho phép trọng tài phóng to, thu nhỏ, liên tục thay đổi góc độ khác nhau. Để mọi việc được công khai minh bạch, đồ họa cùng video phát lại được chiếu trên màn hình khổng lồ trong sân vận động cho cầu thủ và khán giả được xem.

Bảo Lâm

Nếu có công nghệ VAR, tuyển Việt Nam đã không bị cầm hòa ‘oan’ tại chung kết AFF Cup 2018?(VietQ.vn) - Có người hâm mộ nghĩ rằng, nếu như có công nghệ VAR trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 vừa rồi, tuyển Việt Nam đã không chỉ ra về với một kết quả hòa.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang