Techcombank tiếp tục kéo dài chuỗi tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022
Techcombank hợp tác Doctor Anywhere cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt cho khách hàng
Techcombank thu hút nhân tài quốc tế về Việt Nam
Techcombank là Ngân hàng TMCP tư nhân Việt Nam duy nhất có tên trong top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Jens Lottner- Tổng giám đốc Techcombank, cho biết: “Techcombank tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2/2022, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức. Những nguồn doanh thu cốt lõi của chúng tôi vẫn đạt kết quả rất tích cực, với nhu cầu tín dụng và biên lãi thuần đều ở mức cao đồng thời các nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ chính tăng trưởng mạnh mẽ hai chữ số.
Đáng chú ý, chúng tôi đã đẩy nhanh việc đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân - phân khúc chiếm 46,6% dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2022, tăng từ mức 38,8% vào cuối tháng 3/2022”.
Cũng theo ông Jens Lottner, trong quý 2/2022, Ngân hàng này đã đẩy mạnh một số sáng kiến kỹ thuật số được thiết kế để mang đến giải pháp “Ngân hàng trong tầm tay” đơn giản và trực quan. Cụ thể, Techcombank đã triển khai ứng dụng di động mới cho khách hàng doanh nghiệp và hoàn thành chuyển đổi cho hơn 70% khách hàng cá nhân hoạt động sang ứng dụng mới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp công nghệ và hạ tầng để mang đến những tính năng và trải nghiệm số chưa từng có tại thị trường Việt Nam, đưa Techcombank đến gần hơn với mục tiêu Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống”, Jens Lottner nói thêm.
Tiếp tục đạt kết quả kinh doanh vượt trội
Tổng thu nhập hoạt động tăng 16,6% so với cùng kỳ, đạt 21.100 tỷ đồng; trong đó, thu nhập từ lãi đạt 15.900 tỷ đồng, tăng 25,1%. Đặc biệt, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 29,5%, đạt 4.400 tỷ đồng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi như: Dịch vụ thẻ tăng 45,3%; Dịch vụ bảo hiểm tăng 31,5%; Thư tín dụng - LC tăng 56,8%; Dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) tăng 4%...
Chi phí hoạt động tăng 24,3% so với cùng kỳ, đạt 6.400 tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3% do Ngân hàng đầu tư vào 3 lĩnh vực Số hóa, Dữ liệu và Nhân tài. Tuy nhiên, chi phí dự phòng giảm đáng kể 56,1% do tình hình tài chính của nhiều khách hàng phục hồi, các khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.
Tính đến cuối tháng 6/2022, Tổng tài sản của Techcombank đạt 623.700 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ; Tổng dư nợ tín dụng (cuối quý 2/2022) đạt 421.200 tỷ đồng, tăng 8,5%; Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 59,4%, đạt 205.400 tỷ đồng, chiếm 46,6% danh mục tín dụng của Ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng SME tăng 20,8%, đạt 69.400 tỷ đồng; Dư nợ khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 7%, đạt 166.400 tỷ đồng, chiếm 37,7% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng…
Tổng tiền gửi tại ngày 30/6/2022 đạt 321.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và tăng 2,2% kể từ đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 169.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối quý 2 năm 2021 và CASA đạt 152.700 tỷ đồng, tăng 14,4%. Tỷ lệ CASA giảm xuống 47,5% so với mức 50,4% cuối quý 1/2022, do khách hàng có xu hướng chuyển dịch CASA sang một số sản phẩm khác như bất động sản và chứng khoán. Các nguồn huy động vốn khác tiếp tục được khai thác mạnh mẽ. Các khoản vay hợp vốn và giấy tờ có giá đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 32%, và tỷ lệ cho vay trên huy động vốn (LDR) tăng lên 78,8%. Cả hai chỉ số đều thấp hơn so với mức quy định của NHNN. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tăng lên 15,7% cuối quý 2/2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8% của trụ cột I, Basel II, và mức 15,1% tại thời điểm 31/3/2022.
Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2/2022 ở mức 0,6%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 500 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2022.
Không chỉ có ngân hàng mẹ, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng đạt kết quả khả quan trong 6 tháng với 3.000 tỷ đồng doanh thu và 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 31,9% và 8,9% so với cùng kỳ.
Trong quý 2/2022, TCBS ghi nhận khoảng 5,4% thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE. Công ty cũng triển khai phiên bản nâng cấp của iCopy với nhiều tính năng mới cho các giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh, và là tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ chuỗi khối vào toàn bộ quá trình phân phối trái phiếu sơ cấp và thứ cấp. TCBF, quỹ trái phiếu mở quản lý bởi TCC, tiếp tục là quỹ trái phiếu nội địa lớn nhất, với tổng giá trị tài sản quản lý là 18.800 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2022.
Nhiều dấu ấn đáng ghi nhận
Ngoài kết quả kinh doanh vượt trội, Techcombank còn ghi nhận thêm nhiều dấu ấn khác. Cụ thể, trong quý 2 năm 2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 200.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 10,1 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 2/2022 đạt 206,1 triệu và 2,8 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 28,8% và 14% so với cùng kỳ.
Cũng trong quý 2/2022, Techcombank hoàn tất huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD, đánh dấu một mốc mới trong hoạt động huy động vốn nước ngoài. Đây là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.
Techcombank đã triển khai ứng dụng mới trên điện thoại di động cho tất cả các khách hàng cá nhân mới và chuyển đổi dần theo giai đoạn cho khách hàng hiện hữu. Tính đến cuối tháng 6/2022, hơn 70% khách hàng đã được chuyển đổi thành công.
Trong tháng 4 vừa qua, Techcombank đã giới thiệu iDO - nền tảng số mới và chính thức triển khai trong tháng 5. Trong giai đoạn tiếp theo, các chức năng hỗ trợ bán hàng và dịch vụ mở rộng sẽ được hoàn thiện. Tháng 6/2022, Techcombank cũng thử nghiệp tính năng mở Gói tài khoản (Account Bundle)- trên nền tảng iDO tại nhiều chi nhánh. Nền tảng iDO sẽ tiếp tục được nâng cấp để áp dụng cho mở thẻ tín dụng và cập nhật thông tin khách hàng trên máy tính bảng trong 6 tháng cuối năm 2022 với mục đích đưa iDO trở thành nền tảng khách hàng duy nhất của Techcombank.
Kim Anh