Thách thức trong ‘tâm bão’ dịch, thúc đẩy cơ hội tìm kiếm thị trường mới cho thanh long Việt Nam

author 13:12 07/08/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường chủ lực truyền thống đang dần thu hẹp, thanh long Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, nhưng cũng là động lực mở ra cơ hội tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng hơn.

Cấp thiết tìm kiếm thị trường mới

Thanh Long nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, tuy nhiên, vào thời điểm chính vụ như hiện nay, dịch bệnh bùng phát phức tạp, khâu sản xuất, vận chuyển đều bị tác động, làm ảnh hưởng tiêu thụ. Hiện việc tiêu thụ thanh long tại hai địa phương có diện tích trồng lớn và đang bước vào vụ thu hoạch là Bình Thuận và Long An đang là bài toán cam go nhất.

Trong đó, Bình Thuận tính đến tháng 6/2021, diện tích trồng thanh long là 33.750 ha, sản lượng năm nay dự kiến đạt 650.000 tấn quả; Long An cũng dự kiến đạt sản lượng 330.000 tấn quả/năm. Đặc biệt, vào thời điểm này, giá thanh long đang ở mức thấp kỷ lục, khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trái thanh long của tỉnh Long An là một trong những loại trái cây đến vụ thu hoạch đang được Bộ Công Thương tích cực kết nối cung cầu để tìm giải pháp tiêu thụ vào hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cấp thiết tìm kiếm thị trường mới, giúp bà con nông dân tiêu thụ thanh long. Ảnh tư liệu

Tới nay, các siêu thị Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang tiêu thụ thanh long Long An với giá chỉ 16.000 đồng/kg. Sắp tới sẽ có thêm hệ thống AEON Việt Nam và MM Mega Market cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, nhìn chung, sự nỗi lực “giải cứu” của các doanh nghiệp, chỉ đáp ứng một phần nào, tỷ trọng rất nhỏ so với năng suất thu hoạch. Qua đó, càng báo động việc tìm kiếm thị trường mới cho loại trái cây này càng trở lên cấp thiết.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường Trung Quốc đang chiếm tới hơn 92% tổng trị giá xuất khẩu thanh long Việt Nam. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh đang bùng phát, việc xuất khẩu sang thị trường đi kèm những khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây, diện tích thanh long của Trung Quốc cũng đang tăng trưởng rất nhanh.

Điều này dự báo, sản lượng xuất sang thị trường này sẽ giảm đáng kể, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát và các cửa khẩu thông quan bình thường trở lại.

Cũng theo thông tin của Cục Xúc tiến thương mại, thị trường nhập khẩu thanh long lớn thứ hai của nước ta là Mỹ, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này vẫn rất khiêm tốn và còn nhiều cơ hội để phát triển. Ở cá thị trường khác như Nhật Bản, châu Âu, Úc, Hàn Quốc... cũng đang có rất nhiều cơ hội mở rộng.

Hướng đến thị trường tiềm năng khác

Song song với việc giữ vững các thị trường truyền thống, theo các chuyên gia, cả trước mắt và lâu dài, để phát triển xuất khẩu cho trái thanh long, nước ta cần nhanh chóng hỗ trợ tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới.

Theo các chuyên gia đánh giá, Ấn Độ là thị trường được nhận định là thị trường tiềm năng với dân số trên 1,36 tỷ người. Ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho biết thêm, trong 5 năm qua (2015 - 2020), giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng từ 26% lên 52%. Chứng tỏ Ấn Độ có nhu cầu rất lớn với mặt hàng này. Năm 2019-2020 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 9,86 triệu USD, tăng gần 100% so với năm trước đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dich Covid 19 nên năm 2020 – 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Ấn Độ giảm khoảng 25% so với năm trước.

Đối với thị trường Pakistan, ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan cho biết, với dân số hơn 200 triệu dân nhưng Pakistan chưa nhập khẩu trái cây nên thị trường này có rất nhiều tiềm năng cho hàng trái cây Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng. Đáng chú ý, Pakistan là thị trường dễ tính, hướng vào những mặt hàng ngon, rẻ, phù hợp với sản phẩm của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt nên tìm hướng để khai thác thị trường này.

Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long, cần hướng đến nhiều thị trường tiềm năng khác 

Để thúc đẩy xuất khẩu thanh long, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, Cục Xúc tiến thương mại luôn nỗ lực đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối khách hàng nhập khẩu triển vọng, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, phí các doanh nghiệp, địa phương cũng cần chủ động trong việc quảng bá, đưa thanh long sang Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, cả 2 thị trường trên chứa đựng không ít thách thức đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp Việt để giữ uy tín cũng như sự cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nước ta cần phải áp dụng khoa học công nghệ để đổi mới sản phẩm thông qua chế biến sâu, đa dạng nhiều sản phẩm từ thanh long như sấy khô, làm nước ép... và đa dạng hóa mẫu mã, bao bì.

An Nguyên (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang