Thái Bình: Thường xuyên khảo sát, lấy mẫu đánh giá, xử lý vi phạm về chất lượng hàng hoá

author 19:11 01/10/2024

(VietQ.vn) - Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Một trong những giải pháp được đơn vị xác định có vai trò then chốt đó là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023 và 9 tháng năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tư vấn, hướng dẫn cho 115 tổ chức, cá nhân về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiêp, sáng chế, giải pháp hữu ích. 10 cơ sở được hướng dẫn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, hàng hóa các loại. 20 doanh nghiệp có các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP được hướng dẫn tham gia vào cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Sở cũng tổ chức 5 hội nghị tập huấn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho gần 400 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn cho hơn 50 tổ chức, cá nhân về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...

Nhằm kịp thời phát hiện sai phạm liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa, thời gian qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cũng thường xuyên tổ chức khảo sát, lấy mẫu đánh giá và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Năm 2023 và từ đầu năm đến nay, khảo sát 12 đợt về đo lường, chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường; đã mua trên 190 mẫu sản phẩm bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát, sữa, thiết bị điện, điện tử, xăng, dầu, dầu nhờn... để thử nghiệm đánh giá chất lượng theo quy định.

Kiểm tra 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, điện tử, xăng dầu, đồ chơi trẻ em, máy nông nghiệp, hàng đóng gói sẵn và một số hàng hóa khác có nghi vấn về đo lường, chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, phát hiện, xử lý 3 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 110 triệu đồng.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm nay, Chi cục phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 500 triệu đồng. Việc kịp thời ngăn chặn vi phạm pháp luật đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Mặc dù đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng Sở Khoa học và Công nghệ vẫn luôn xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nhất là vào dịp cao điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng, tốc độ lưu thông hàng hóa mạnh.

Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở sẽ hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết các hành vi gian lận thường xảy ra trong hoạt động kinh doanh, các loại hàng hóa thiết yếu thường bị làm giả để người dân tự kiểm tra, phát hiện, tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng xử lý. Tập trung nhân lực, phương tiện phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa, trong đó chú trọng đi sâu kiểm tra lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử, vàng bạc và hàng đóng gói sẵn các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác.

 Tiểu My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang