Áp dụng phương pháp 4M giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng làm việc

author 05:53 01/10/2024

(VietQ.vn) - Việc áp dụng phương pháp 4M giúp doanh nghiệp tìm ra nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chất lượng, năng suất làm việc.

Phương pháp 4M đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, quyết định đến hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng phương pháp này giúp doanh nghiệp tìm ra nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chất lượng, năng suất làm việc.

4M trong sản xuất là quy tắc xác định vấn đề, hiện tượng và gom nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến phục vụ quá trình quản lý sản xuất. Quy tắc 4M hướng dẫn tìm kiếm nguyên nhân gây ra vấn đề nhằm cải tiến chất lượng và nâng cao năng suất dựa trên nhóm các nguồn lực cơ bản trong nhà máy, bao gồm: Man (Con người), Method (Phương thức), Machine (Máy móc) và Material (Nguyên vật liệu).

Trong 4 yếu tố: Man – Con người chỉ về tất cả các cá nhân tạo nên doanh nghiệp từ những người lãnh đạo cấp cao nhất đến các cấp quản lý và từng công nhân vận hành. Con người là nhân tố chính tạo ra lợi nhuận và đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Con người trực tiếp tạo ra và có quyết định đến chất lượng sản phẩm. Dù trình độ công nghệ hiện đại đến đâu, nhân tố con người vẫn được coi là nhân tố căn bản nhất, tác động đến hoạt động quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trình độ chuyên môn, tay nghề, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác của từng cá nhân và giữa các bộ phận sẽ quyết định chất lượng sản phẩm doanh nghiệp.

Mục tiêu của quy tắc 4M trong sản xuất thì chất lượng sản phẩm cao sẽ làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng cả bên ngoài và bên trong doanh nghiệp. Hình thành và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về thực hiện mục tiêu chất lượng là một trong những nội dung cơ bản của quản lý chất lượng trong sản xuất.

Methods – Công nghệ và phương thức quản trị gồm có công nghệ, phương pháp quản lý, phương thức sản xuất, cách thức điều hành, chiến lược để duy trì và phát huy hiệu quả của sản xuất. Yếu tố Method đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng, đồng thời quyết định yếu tố cạnh tranh của sản phẩm (chất lượng, giá cả, thời hạn...).

Mỗi doanh nghiệp là một hệ thống, trong đó có sự phối hợp đồng bộ thống nhất giữa các bộ phận chức năng. Chất lượng của hoạt động quản lý phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Với phương pháp công nghệ thích hợp, với trình độ tổ chức quản lý sản xuất tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể khai thác tốt nhất các nguồn lực hiện có, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Machines – Máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Chúng đóng vai trò cực kì quan trọng trong bất kỳ nhà máy, xí nghiệp và phân xưởng nào. Trình độ hiện đại của máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hàng loạt.

Trình độ hiện đại của máy móc thiết bị và quy trình công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là doanh nghiệp tự động hóa cao, có dây chuyền sản xuất hàng loạt. Xác định đúng phương hướng đầu tư phát triển sản phẩm mới hoặc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở tận dụng quy tắc 4M trong sản xuất và công nghệ hiện có với đầu tư đổi mới là biện pháp cần được đẩy mạnh của mỗi doanh nghiệp.

Materials – Nguyên vật liệu là một trong những yếu tố đầu vào tham gia cấu thành sản phẩm và hình thành chất lượng sản phẩm. Nguyên vật liệu là những yếu tố “đầu vào” quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm ở “đầu ra”. Do đó, để có sự đồng nhất trong sản phẩm, doanh nghiệp cần sử dụng nguyên vật liệu được cung cấp tại một số nhà cung ứng nhất định.

Một trong những yếu tố đầu vào tham gia cấu thành sản phẩm và hình thành chất lượng sản phẩm là nguyên vật liệu. Vì vậy, chất lượng nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến thành phẩm của nhà máy. Tính đồng nhất và tiêu chuẩn hóa của nguyên liệu là cơ sở quan trọng cho ổn định chất lượng sản phẩm.

Để thực hiện tốt mục tiêu chất lượng đặt ra cần tổ chức tốt hệ thống cung ứng, đảm bảo nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất. Một hệ thống cung ứng tốt là hệ thống có sự phối hợp hiệp tác chặt chẽ đồng bộ giữa bên cung ứng và doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài những nguồn lực cơ bản trên, chất lượng trong sản xuất còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như thông tin (Information), môi trường (Environment), đo lường (Measure),…

Mỗi doanh nghiệp là một hệ thống, trong đó có sự phối hợp đồng bộ thống nhất giữa các bộ phận chức năng. Chất lượng của hoạt động quản lý sẽ phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp sản xuất có được phương pháp công nghệ thích hợp cùng trình độ tổ chức quản lý sản xuất tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tốt nhất nguồn lực hiện có, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Việc lựa chọn áp dụng phương pháp 4M trong sản xuất đã và đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến tại đa phần doanh nghiệp hiện nay.

Tiểu My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang