Tham gia vào địa ốc TP.HCM: Tập đoàn Mitsubishi đổ tiền 'khủng' vào Phúc Khang Corporation

authorĐỗ Thu Thoan 10:16 25/12/2017

(VietQ.vn) - Tập đoàn Mitsubishi đã đổ tiền “khủng” vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation), đánh dấu sự tham gia vào thị trường bất động sản TP.HCM.

Sự kiện: Bất động sản

Dẫn thông tin báo Pháp luật TP.HCM đăng tải, ngày 24/12, Tập đoàn Mitsubisi của Nhật Bản và CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) công bố hợp tác chiến lược và ký kết liên doanh trong việc phát triển nhà ở theo tiêu chuẩn công trình xanh tại TP.HCM.

Theo đó, tỷ lệ vốn góp của Mitsubishi Corporation sẽ tương ứng 49% vốn điều lệ và Phuc Khang Corporation (51%) thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC). Cả hai bên sẽ cùng đầu tư và phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, dự án nhà ở đầu tiên tại Viet Nam được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED (USGBC – Hoa Kỳ) – một tiêu chuẩn công trình xanh uy tín và phổ biến tại 150 quốc gia trên thế giới.

tham-gia-vao-dia-oc-tphcm-tap-doan-mitsubishi-do-tien-khung-vao-phuc-khang-corporation

Tập đoàn Mitsubishi đổ tiền 'khủng' vào Phúc Khang Corporation đánh dấu sự có mặt tại thị trường BĐS TP.HCM. Ảnh minh họa

Ngay trong tháng 1/2018 tới đây, khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside, nơi đã và đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm, lựa chọn của các gia đình trẻ và nhà đầu tư cá nhân tại TP.HCM.

Thông qua PKMC Holding, hai bên sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20ha (phức hợp thương mại, chung cư cao tầng) trong khu vực trung tâm TP.HCM, gồm: Quận 1, Quận 2, Quận 8, Quận 10, Tân Bình, Tân Phú... và 1.000ha ở các vùng lân cận chỉ cách CBD TP.HCM từ 20-30km.

Dựa vào những bí quyết đã tích lũy qua các dự án bất động sản ở nhiều quốc gia, Mitsubishi Corporation sẽ tham gia cải thiện các thành phần giá trị gia tăng trong việc phát triển dự án bằng cách giới thiệu một loạt các công nghệ xây dựng Nhật Bản, bao gồm quản lý chất lượng và quản lý tiến độ, báo Pháp luật TP.HCM thông tin.

Theo Nhịp sống kinh tế, được biết thời gian qua nhiều nghiệp Nhật cũng đã tiến vào thị trường BĐS Việt Nam. Có thể kể đến như Tập đoàn Maeda công bố đã chính thức có mặt trên thị trường BĐS thông qua hợp tác với Công ty Thiên Đức, thành viên của Công ty Golf Long Thành cùng thực hiện dự án căn hộ cao cấp đầu tay Waterina Suites ở khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM.

CTCP Nhà Mơ đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý BĐS hàng đầu Nhật Bản. Qua đó, Dream Home Palace (Quận 8) sẽ là dự án khởi đầu mà The Global Group sẽ hợp tác đầu tư, với số vốn dự kiến 50 triệu USD...

Ở mảng dịch vụ, trong tháng 10/2017 Hoa Binh House cũng đã công bố hợp tác cùng Tập đoàn Okamura Home và Tập đoàn Sanyo Homes, chính thức thành lập Liên doanh chuyên Quản lý và vận hành các sản phẩm BĐS.

Bất động sản Cần Giờ: ‘Cơn sốt’ vẫn chưa giảm(VietQ.vn) - Theo báo cáo giá đất các tuyến đường biến động mạnh nhất huyện Cần Giờ của Công ty TNHH Gachvang công bố mới đây, giá đất tại các trục đường chính thuộc xã Bình Khánh, Cần Thạnh, Long Hòa... có giá tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra còn hàng loạt thương vụ giữa các ông lớn Nhật và các doanh nghiệp BĐS Việt như thương vụ bắt tay của bộ ba Daiwa House – Nomura - Sumitomo kết nối cùng Phú Mỹ Hưng; Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với Nam Long; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát để triển khai dự án Ascent Lakeside tại quận 7. Kajima (Nhật Bản) hợp tác với Indochina Capital; Mitsubishi bắt tay cùng Tập đoàn Bitexco...

Giải thích nguyên nhân vốn Nhật Bản đổ vào thị trường BĐS ngày càng tăng mạnh, đại diện tập đoàn Mitsubishi khẳng định rằng TP.HCM là thành phố lớn nhất ở Việt Nam cả về quy mô dân số và quy mô kinh tế. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định dẫn đến việc mở rộng tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống giao thông đô thị mới, thị trường TP.HCM dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản khác.

Đánh giá về làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản đổ vốn vào thị trường BĐS Việt Nam, theo Nhịp sống kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang tăng trưởng mạnh nhờ nhiều chính sách mới, dự báo cho thấy trong 3-5 tới sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, mà trong đó các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á đặc biệt là Nhật Bản vẫn chiếm đa số. Cũng theo TS. Lộc, chính sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tạo động lực để phát triển, tạo sự bùng nổ cho thị trường BĐS trong thời gian tới.

Cùng quan điểm với ông Lộc, các chuyên gia dự đoán trong các quý tiếp theo, nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư Nhật Bản ở thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là tại thị trường BĐS TPHCM. Các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm thường hợp tác cùng với các doanh nghiệp trong nước, vốn có sẵn quỹ đất và quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại, để liên doanh phát triển.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang