Thẩm mỹ viện hút mỡ, nâng ngực: Đường đến...cửa tử!

author 07:18 01/11/2013

Ngay tại thời điểm nhà nhà cảnh giác khi đi làm đẹp, trang web của nhiều thẩm mỹ viện vẫn còn quảng cáo dịch vụ nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân, một kỹ thuật du nhập từ Hàn Quốc.

Chưa đánh giá được tính an toàn

TS Nguyễn Huy Thọ, nguyên chủ nhiệm khoa tạo hình và hàm mặt (Bệnh viện 108), cho biết bơm mỡ tự thân nâng ngực là kỹ thuật được du nhập từ Hàn Quốc. Do cùng lúc có thể đạt được hai mong muốn: giảm mỡ nhờ hút mỡ từ vòng 2 hoặc mỡ vùng đùi, rồi bơm trở lại làm tăng kích cỡ vòng 1, lại có ưu điểm không phẫu thuật nên thời gian qua, đây trở thành kỹ thuật chủ lực được nhiều thẩm mỹ viện tung ra quảng cáo để chào mời khách hàng.

“Sử dụng mỡ tự thân để bơm vào ngực quan trọng là mỡ bơm vào phải sống, phải thành những dải và nhiều dải xoắn bện vào với nhau thì mỡ mới sống. Nếu bơm không cẩn thận sẽ bị hoại tử. Tuy nhiên kể cả bơm thành dải thì mỡ bơm vào cũng chỉ sống một tỉ lệ nhất định và một thời gian phải bơm lại. Tôi không phản đối kỹ thuật mới, nhưng phải đảm bảo quy trình và độ an toàn”- TS Thọ đánh giá.

Các chuyên gia thành viên hội đồng chuyên môn cũng cho rằng đây là kỹ thuật được phép thực hiện tại các bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa thẩm mỹ trong bệnh viện đa khoa, nhưng chưa đánh giá được hiệu quả do chưa thống kê được số người được nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân mỗi năm, hiệu quả ra sao. Đồng thời cũng chưa đánh giá được tính an toàn do chưa có khảo sát về những tai biến thường gặp.

Ai không nên nâng ngực bằng mỡ tự thân?

Theo TS Nguyễn Huy Thọ, kỹ thuật này chống chỉ định với người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, người có vấn đề huyết áp, tim mạch, người có chức năng gan kém; hoặc người bệnh lao, giang mai cũng không nên thực hiện kỹ thuật này. Đặc biệt, những người có rối loạn đông máu, động vào đâu là tím đấy, nếu có nhu cầu làm đẹp cũng phải tuyệt đối tránh kỹ thuật bơm mỡ bằng mỡ tự thân.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thành Thái, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, cho biết phương pháp hút mỡ nâng ngực từ lâu không được sử dụng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, vì không đạt được hiệu quả mà rủi ro rất cao. Loại mỡ được sử dụng trong kỹ thuật này là mỡ khối được lấy từ các vùng mỡ thừa trong cơ thể, bao quanh các mạch máu nhỏ li ti. Trước khi đưa vào cơ thể, khối mỡ này sẽ được cho vào máy quay ly tâm tách và chọn lọc các tế bào mỡ. Trong quá trình hút mỡ, người ta sử dụng dụng cụ hút giống như bàn cào hút bùn, bơm và hút khối mỡ, làm tổn thương tới các mạch máu xung quanh, có thể gây nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Thái khuyến cáo biến chứng có thể xảy đến ở bước bơm mỡ vào nơi cần nâng do những mạch máu có lẫn trong mô mỡ ngấm ngược trở lại cơ thể bằng cách chạy trong lòng mạch, khi dừng ở đâu nó có thể gây tắc ở đó, như dừng ở phổi có thể gây tắc mạch phổi, chạy lên não có thể gây liệt não, hôn mê và dẫn đến tử vong. Ngay cả trường hợp không có biến chứng, lượng mỡ bơm vào sẽ ngày một teo đi tùy thuộc sự thích nghi của tế bào mỡ tại khu vực mới trong cơ thể.

Chính vì phương pháp nâng ngực bằng mỡ tự thân quá nguy hiểm nên các bệnh viện lớn không thực hiện mà chọn các phương pháp khác an toàn hơn như đặt túi ngực. Còn với các phòng khám thẩm mỹ, thường gọi là thẩm mỹ viện, điều 25 thông tư 41 quy định chỉ được thực hiện các kỹ thuật như xóa xăm cung lông mày; tạo hình gò má; tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai; đặc biệt các thẩm mỹ viện không được tạo hình nâng ngực, thu gọn thành bụng, căng da mặt, mông, đùi hoặc lấy mỡ cơ thể, nhất là kỹ thuật bơm mỡ tự thân này.

Những cái chết từ phẫu thuật thẩm mỹ
Tháng 11-2010, cả làng giải trí Trung Quốc rúng động vì vụ nữ ca sĩ Wang Bei, nổi tiếng từ cuộc thi ca nhạc Super Girl năm 2005, thiệt mạng sau khi phẫu thuật gọt xương hàm tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Tân Hoa xã cho biết sau khi gây mê Wang Bei và thực hiện phẫu thuật, bác sĩ đã cắt nhầm một mạch máu của cô. Mẹ của Wang Bei cũng phẫu thuật cùng con tại bệnh viện này, khi tỉnh lại bà mới biết con gái mình đã chết.
Tại Hàn Quốc, hồi năm 2010 báo chí cũng xôn xao vì vụ hai phụ nữ thiệt mạng sau phẫu thuật thẩm mỹ ở cùng một bệnh viện tại thành phố Busan. Nạn nhân đầu tiên đi hút mỡ và khi về nhà lập tức bị đau đầu nặng, sốt cao. Chỉ ba ngày sau cô qua đời. Người thứ hai cũng chết ba ngày sau khi đi nâng ngực. Trước đó, một người khác cũng hút mỡ và suýt mất mạng ở bệnh viện này. Tháng 11-2009, cựu hoa hậu Argentina Solange Magnano đã qua đời khi phẫu thuật làm gọn phần hông.
Ngay cả ở các quốc gia phát triển, những trường hợp thiệt mạng vì phẫu thuật thẩm mỹ cũng xảy ra. Theo báo Los Angeles Times, tháng 1-2004 nữ văn sĩ Mỹ Olivia Goldsmith đã lên cơn đau tim sau khi được gây mê để phẫu thuật thẩm mỹ cằm và đã qua đời.
Năm 2007, bà Donda West, mẹ ca sĩ nhạc rap Mỹ Kanye West, đã chết vì phẫu thuật thẩm mỹ tại Los Angeles. Ở Đức, diễn viên phim khiêu dâm Sexy Cora lên cơn đau tim khi đang nâng ngực tại một bệnh viện ở Hamburg hồi tháng 1-2011. Chỉ vài phút sau đó, cô bị suy tim, huyết áp tụt nhanh, mọi cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động, não bị tổn thương nghiêm trọng rồi qua đời.
Chuyên gia Nigel Mercer, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh, đã mô tả ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế là “một đống hỗn độn không ai quản lý”. “Không một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nào là an toàn tuyệt đối” - chuyên gia Mercer nhấn mạnh.
SƠN HÀ
Thẩm mỹ viện tự “ẩn” quảng cáo
Nếu như trước kia, các dịch vụ cấm thực hiện tại thẩm mỹ viện như nâng ngực nội soi, nâng ngực thẩm mỹ, hút mỡ đùi, hút mỡ bụng... được thể hiện trên trang chính của thẩm mỹ viện K. ở phố Quang Trung (Hà Nội), thì ngày 28-10 đã đẩy xuống những banner dưới cùng. Nhưng theo đường dẫn ở những trang phụ, mọi thông tin về các dịch vụ trên vẫn được để nguyên vẹn, tuy nhiên ở mỗi tít bài quảng cáo, chia sẻ thông tin về các dịch vụ này đều có phần mở ngoặc “TH tại bệnh viện” (thực hiện tại bệnh viện)!

Theo TT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang