Quan tham bị ‘sờ gáy' định nhảy lầu tự tử

author 06:04 27/01/2015

(VietQ.vn) - Bí thư thành ủy Nam Kinh, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh Giang Tô - Dương Vệ Trạch định nhảy lầu tự tử khi biết mình sắp bị “sa lưới”, tuy nhiên các nhân viên điều tra đã kịp thời ngăn cản.

Đa Chiều ngày 25/1 đưa tin, kể từ khi bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) bắt hôm 4/1, những tội tham nhũng về Dương Vệ Trạch - cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh bị truyền thông Trung Quốc đua nhau khai thác.

Chiều hôm 4/1, ông Dương đang chủ trì cuộc họp ở thành ủy Nam Kinh thì nhận được điện thoại . Ông Dương sau đó đã ngồi hút thuốc tại văn phòng trong khoảng 15 phút.

Theo báo Changjiang Times  Trung Quốc, chiều 4/1 Dương Vệ Trạch đang chủ trì cuộc họp "sinh hoạt dân chủ thành ủy Nam Kinh" thì nhận được điện thoại của một lãnh đạo tỉnh Giang Tô gọi lên tỉnh dự họp.

Sau cuộc họp sinh hoạt dân chủ ở thành ủy, Dương Vệ Trạch gọi điện xác minh một số quan chức đồng cấp về cuộc họp bất thường, sau đó trầm ngâm hút thuốc tại văn phòng hồi lâu.

Khi tới trụ sở tình ủy Giang Tô theo cuộc hẹn, Dương Vệ Trạch nhìn thấy các nhân viên điều tra của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật thì lập tức lao về phía cửa sổ toan nhảy lầu tự vẫn, nhưng các nhân viên điều tra đã kịp thời ngăn cản, "nguồn tin nội bộ" nói với truyền thông Trung Quốc.

Tối ngày 4/1, trang web của CCDI đăng thông báo, Bí thư Thành ủy Nam Kinh, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh Giang Tô Dương Vệ Trạch bị điều tra do bị tình nghi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường ám chỉ các quan chức tham nhũng.

Bí thư thành ủy Dương Vệ Trạch mắc tội danh tham nhũng định tự tử

Bí thư thành ủy Dương Vệ Trạch mắc tội danh tham nhũng định tự tử. Ảnh Telegraph

Ông Dương Vệ Trạch (52 tuổi) từng là Bí thư Thành ủy Nam Kinh, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh Giang Tô trước khi bị “ngã ngựa” hồi đầu tháng này.

Theo China News, ông Dương từng nắm giữ chức vụ Bí thư Thành ủy thành phố Vô Tích và Thị trưởng thành phố Tô Châu, đều thuộc tỉnh Giang Tô. Bắt đầu từ tháng 3/2011, ông đảm nhận vị trí Bí thư Thành ủy thành phố Nam Kinh.

Bình luận về trường hợp tự tử của ông Dương, báo China Daily nhận xét về lợi ích kinh tế, quyết định này là hoàn toàn hợp lý bởi lợi ích nó mang lại lớn hơn cái giá phải trả.

“Cái chết của quan chức đang bị điều tra có thể bảo vệ được các tham quan khác, thường là những người có chức vụ cao hơn trong đường dây. Bởi khi kẻ bị tình nghi chết, các cuộc điều tra sẽ bị dừng lại”.

“Hơn nữa, khi chết đi mà không vướng vào tội danh nào, các quan chức này cũng có thể bảo vệ phần lớn tài sản cho gia đình”, China Daily cho hay.

Được biết, trong 300 ngày cuối cùng trên ghế Bí thư Nam Kinh, Dương Vệ Trạch lớn tiếng ủng hộ chiến dịch đả hổ đập ruồi của Tập Cận Bình, ra sức chỉ trích Lý Kiến Nghiệp - Thị trưởng Nam Kinh bị bắt trước đó.

Liên quan đến vụ việc Bí thư Nam Kinh nhảy lầu tự vẫn, trước đó theo báo New York Times, năm 2014 đã có hơn chục quan chức Trung Quốc tự vẫn, trong số đó 5 người được cho là phải chịu áp lực quá lớn hoặc tuyệt vọng, ít nhất 6 người dính líu các cuộc điều tra tham nhũng.

Giải thích về tình trạng quan chức tự sát, giới quan sát cho rằng đó là họ muốn thoát khỏi sự trừng phạt không thể tránh khỏi. Với quy mô và mức độ của chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” quyết liệt như hiện hiện nay đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các quan tham họ không thể trông mong lọt lưới.

Mặt khác, theo luật pháp Trung Quốc hiện hành, khi một quan chức có tội chết tự sát, quá trình tố tụng coi như kết thúc và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc này được xem là một cơ hội giải thoát cho các quan tham. Nếu họ tự sát, không chỉ có thể giữ được thứ bậc mà những thu nhập bất chính có thể sẽ không bị tịch thu.

Hải Nguyễn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang