Thận trọng khi tin tưởng vào chỉ số đo SpO2 từ đồng hồ thông minh

author 06:35 10/03/2022

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu từ Mỹ, đồng hồ thông minh không đủ chính xác để được sử dụng như một thiết bị đo lường các chỉ số quan trọng.

Hiện tại, máy đo chỉ số SpO2 (chỉ số nồng độ Oxy trong máu) đang là dụng cụ quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên, nhiều đồng hồ thông minh (smartwatch) mới nhất cũng được trang bị thêm tính năng này, khiến người dùng cảm thấy phân vân liệu có thể tin tưởng số liệu trên đồng hồ. Thiết bị chuyên dụng và smartwatch có cách thức đo chỉ số SpO2 tương đối khác biệt. Do đó, chỉ số cho ra thường không giống nhau.

Với các máy đo chuyên dụng, cảm biến sẽ được đặt đối diện nhau ở trên 2 đầu của thiết bị. Khi đặt ngón tay vào máy đo, một đầu của thiết bị sẽ phát ra nguồn sáng, để nó đi xuyên qua qua ngón tay rồi chạm vào các cảm biến ở đầu đối diện. Khi đó, các phép đo thuộc tính của ánh sáng, bước sóng và một số dữ liệu khác sẽ cho ra mức SpO2.

Mỹ cho rằng, đồng hồ thông minh không đủ chính xác để được sử dụng như một thiết bị đo lường các chỉ số quan trọng. Ảnh: Zing News

Ngược lại, trên đồng hồ thông minh và vòng đeo thể thao, SpO2 được đo thông qua ánh sáng phản xạ từ máu dưới da. Điều này là do cảm biến phát sáng cũng như cảm biến đọc dữ liệu đều ở cùng một bên. Do đó, smartwatch sẽ không thể thực hiện các phép đo như trên thiết bị chuyên dụng sử dụng 2 mặt cảm biến.

Thực tế trong một nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, các nhà khoa học khẳng định rằng đồng hồ thông minh không đủ chính xác để được sử dụng như một thiết bị đo lường các chỉ số quan trọng. Ngay cả với một số thiết bị chuyên dụng được bán trên thị trường, nó tuy có độ chính xác cao hơn nhưng vẫn không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong y tế.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Deepak Aggarwal, Chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Saket (Ấn Độ), trả lời India Today Tech rằng hầu hết máy đo SpO2 đều có ưu thế hơn đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, chúng cũng có những sai sót như bất kỳ thiết bị điện tử nào khác. Nó đặc biệt liên quan đến cách mọi người đặt ngón tay vào máy.

Trong khi đó, tiến sĩ chuyên khoa tim mạch Deepak Krishnamurthy tại một bệnh viện ở Bangalore (Ấn Độ) cho rằng cả máy đo oxy và đồng hồ thông minh đều chỉ có thể đưa ra con số tương đối. Điều quan trọng là bệnh nhân phải kiểm tra lại tại phòng khám để có kết quả chính xác nhất.

Tất nhiên, tình trạng sai lệch chỉ số SpO2 trên smartwatch đã được các công ty phát hành nêu rõ trước đó. Với những người cần sự chính xác tuyệt đối, các chuyên gia đều khẳng định bệnh nhân vẫn nên ưu tiên đến các cơ sở y tế, thay vì phụ thuộc vào thiết bị đo trên thị trường.

Liên quan đến việc sử dụng tính năng đo chỉ số SpO2 trên đồng hồ thông minh, vòng tay thông minh, ThS.BS Phan Vũ Anh Minh, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, các ứng dụng trên điện thoại, đồng hồ,... đều cho kết quả đo SpO2 không chính xác, không thể sử dụng cho các mục đích đánh giá và theo dõi người bệnh. Bản thân các nhà sản xuất các ứng dụng này cũng nhấn mạnh trong phần mô tả ứng dụng của mình rằng “không được sử dụng các kết quả đo này vào mục đích lâm sàng”. Do đó, các thiết bị này không thể thay thế được thiết bị đo chuyên dụng. Trong khi các thiết bị chuyên dụng sử dụng ánh sáng hồng ngoại và bộ cảm biến chuyên biệt, các ứng dụng trên điện thoại hay đồng hồ chỉ sử dụng ánh sáng đèn pin (có quang phổ nằm trong ngưỡng nhìn thấy được) và máy ảnh (camera) của các thiết bị này.

Có 2 nghiên cứu được thực hiện và công bố vào năm 2018 và 2019, đánh giá sự chính xác của giá trị SpO2 đo trên các ứng dụng trên điện thoại, đều cho thấy các ứng dụng này cho kết quả đo không chính xác. Đặc biệt, nếu độ bão hòa oxy trong máu người bệnh càng thấp thì các ứng dụng này cho kết quả sai lệch càng lớn. Điều này cho thấy việc đánh giá tình trạng oxy máu dựa trên các kết quả đo này là việc rất nguy hiểm, vì có thể khiến người bệnh lầm tưởng về tình trạng suy hô hấp giảm oxy máu của mình.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều thiết bị đo chuyên dụng lại có kèm theo phần mềm ứng dụng trên điện thoại, đồng hồ, máy tính bảng,..., kết nối trực tiếp với các thiết bị đo này. Nếu chúng ta sử dụng những ứng dụng này, chúng ta vừa có được những thông số đáng tin cậy, vừa có thể lưu trữ các thông số này trên điện thoại, máy tính bảng,... của mình, giúp dễ dàng theo dõi xu hướng thay đổi của các thông số này và có thể trình bày cách rõ ràng cho các nhân viên y tế xem khi cần thiết.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang