Tháng 5/2022: Thêm 13.400 doanh nghiệp thành lập mới

author 10:56 03/06/2022

(VietQ.vn) - Trong tháng 5/2022, cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới. Tổng vốn đăng ký của hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới này là 125.800 tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 5/2022, cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới này là 125.800 tỷ đồng. Số lao động đăng ký đạt gần 89.500 lao động.

So với tháng 4/2022, số doanh nghiệp mới giảm 10,9%, giảm 23,4% về vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động. Với số doanh nghiệp và số vốn đăng ký như trên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,4 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 63.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 761.000 tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký là 437.700 lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 12,1 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu tính cả 1.684.300 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 22.100 doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2.445.300 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 35.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 98.600 đơn vị, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ở chiều ngược lại, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.900 doanh nghiệp, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, có 19.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 6.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân trong một tháng, 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 Tháng 5/2022: Thêm 13.400 doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh minh họa

Để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.

Đặc biệt, để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.

Cùng với việc hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn, các địa phương cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, bình ổn giá. Đồng thời, nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, nhất là thủ tục tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật chính sách mới của Chính phủ.

Đổi mới công nghệ quốc gia cũng là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị sản xuất, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp-lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động đổi mới sáng tạo để chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao...

Theo đó, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm, từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới đến đổi mới quy trình gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ; đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác.

 Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang