Thanh toán không dùng tiền mặt: Thay đổi từ nhận thức đến hành động

author 14:27 11/09/2020

(VietQ.vn) - Một trong những giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt chính là phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương thức thanh toán này.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ, thanh toán điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sau 4 năm triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường…

Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Cụ thể, theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Ông Lộc chỉ ra, ở đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, về môi trường pháp lý, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.

Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Do đó, theo giới chuyên gia, cần có những giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trước hết, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán không dùng tiền mặt. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt, mà cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Tiếp theo, cần thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp. Chính vì vậy, muốn phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay sẽ giúp khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng phương thức thanh toán, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức thanh toán phù hợp nhất.

Ngoài ra, cần có biện pháp trấn áp hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này. Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn so với gian lận thẻ giả…

Thanh toán điện tử: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để bảo vệ quyền lợi khách hàng(VietQ.vn) - Để tiến tới xã hội không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang