Tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, phục vụ sản xuất

author 08:44 04/09/2021

(VietQ.vn) - Nhập khẩu máy móc, thiết bị nói chung là một giải pháp hợp lý nhằm phục vụ sự phát triển, tuy nhiên có rất nhiều vấn đề tiêu cực trong công tác này vẫn cần được xem xét và thắt chặt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa như hiện nay, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra, Việt Nam đồng thời phải đối mặt với vô vàn các thách thức từ quá trình hội nhập. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động thương mại có thể coi là một trong những động lực chính giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là những tác động tiêu cực của phát triển thương mại đối với nước ta. Một trong số đó là sự gia tăng nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng từ bên ngoài thông qua việc nhập khẩu hàng hoá, vật tư, đặc biệt là các loại máy móc thiết bị đã qua sử dụng phục vụ cho thương mại.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tăng cao

Số lượng máy móc nhập khẩu trong những năm gần đây của Việt Nam ngày càng nhiều và gia tăng với tốc độ rất nhanh. Cụ thể, theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của nước ta trong giai đoạn 2010 - 2020 tăng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân tăng khoảng 10,6%/năm.

 Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của nước ta. Ảnh: Baodautu

 Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của nước ta. Ảnh: Baodautu

Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này đạt 27,1 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (35,8%). Nếu mức nhập khẩu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối của năm 2021 bằng với mức của 7 tháng đầu năm, thì tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong cả năm 2021 sẽ ở mức 46,584 tỷ USD, tăng 25,1% so với năm 2020.

Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng là yếu tố cần thiết trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chóng mặt của kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị trong những năm gần đây đã thể hiện được 2 vấn đề mà chúng ta cần đối mặt, đó là sản xuất trong nước và lựa chọn thị trường nhập khẩu.

Về sản xuất trong nước, nguyên liệu chính để sản xuất máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong nước là sắt thép nhưng hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu này là do nhập khẩu mà có. Lượng sắt thép được sản xuất trong nước phần lớn là sắt thép phục vụ xây dựng (chiếm gần 3/4), sắt thép phục vụ cho sản xuất máy móc, thiết bị phụ tùng chỉ chiếm phần nhỏ (chỉ trên 1/4).

Đó là minh chứng cho sự yếu kém hiện nay của công nghiệp phụ trợ cho sản xuất máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Đây là một trong những vấn đề trong cơ cấu sản xuất, cơ cấu nhập khẩu rất cần lưu ý.

Về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cũng có một số vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ 38 thị trường chính, trong đó có 17 thị trường có kim ngạch trên 100 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2021, có 3 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ trong 7 tháng đầu năm đã lên đến 14,45 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của cả nước.

Điều đáng nói là, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Trung Quốc hầu hết không có kỹ thuật - công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn, thậm chí không ít trong số đó còn là kỹ thuật - công nghệ mà Trung Quốc thải loại ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi kèm với đó, các loại máy móc này được bán với giá rẻ, rất dễ thu hút lòng tham của các doanh nghiệp Việt Nam.

Công tác giám sát của các cơ quan quản lý nếu không được thực hiện chặt chẽ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về lâu về dài.

Nguy cơ của việc nhập khẩu máy móc, thiết bị giá rẻ

Việc kiểm soát chất lượng của máy móc thiết bị, công nghệ và hàng hóa nhập khẩu còn nhiều hạn chế dẫn đến việc không ít các máy móc thiết bị, công nghệ cũ không đảm bảo tiêu chuẩn, các thiết bị mà các quốc gia phát triển thải bỏ, các sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng đã được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đầu tiên điều dễ thấy nhất đó là chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Trong thời điểm hội nhập như hiện nay, áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp là rất lớn. Mức sống xã hội ngày càng cao nên con người cũng ngày càng chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng các máy móc, thiết bị cũ sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng hơn và khó lòng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Và nguy cơ phá sản là rất lớn nếu doanh nghiệp cứ tiếp tục sử dụng máy móc kém chất lượng. Về lâu dài nó sẽ tạo ra những tác động đối với toàn bộ nền kinh tế khi một số lượng không nhỏ các các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.

Những công nghệ cũ, yếu kém có năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và có khả năng bị hỏng nhanh sau một thời gian sử dụng. Việc xử lý các phế liệu này cũng rất khó khăn, chi phí để tiêu hủy rác thải là rất lớn và tốn kém. Các chuyên gia cũng lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành bãi thải công nghệ của các nước phát triển.

Biết rằng máy móc, thiết bị cũ có hại như vậy nhưng nhiều kẻ vẫn vì lòng tham cá nhân mà buôn lậu các loại mặt hàng này. Nổi bật chính là vụ án Vũ Văn Dũng, Trần Quốc Vương và 13 đối tượng liên quan buôn lậu rác thải công nghiệp núp dưới danh nghĩa nhập khẩu máy móc thiết bị từ Nhật Bản năm 2017.

Tất cả các máy móc đều không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra còn thu giữ một số lượng lớn hóa đơn, chứng từ, tờ khai hải quan có dấu hiệu giả mạo.

Tang vật bị thu giữ từ một vụ việc. Ảnh: MA 

Các giải pháp đã được đưa ra

Trước đây, thông tư số 23/2015/TT-BKHCN quy định tuổi thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu không vượt quá 10 năm trong tất cả các lĩnh vực. Quy định này góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quy định này cũng bộc lộc khó khăn cho doanh nghiệp khi máy móc, thiết bị cũ vẫn đảm bảo năng lực sản xuất, không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng không được nhập khẩu do giới hạn tuổi thiết bị là 10 năm.

Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg thay thế Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN về quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Cụ thể, công suất hoặc hiệu suất còn lại của máy móc, thiết bị phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế. Ngoài ra, máy móc, thiết bị phải đáp ứng nhiều tiêu chí cụ thể khác.

Quy định mới được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư thuộc một số lĩnh vực trong nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và bảo đảm các biện pháp quản lý để ngăn chặn thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam.

Hà Ly (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang