Thêm nhiều sản phẩm quảng cáo sai công dụng, thương hiệu WONMOM có uy tín không?

author 13:19 30/04/2022

(VietQ.vn) - Tiếp tục lộ diện thêm nhiều sản phẩm mang thương hiệu WONMON (Công ty TNHH TM&DV WONMOM – Chăm sóc Mẹ và Bé, số 55, đường số 1, Khu dân cư CityLand, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh; Văn phòng đại diện số 65B, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) phân phối, quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua đây, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn WONMOM là nơi để “gửi vàng”.

Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải trong những bài viết trước phản ánh về hoạt động kinh doanh chộp giật, khinhàng loạt sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu WONMOM quảng cáo trái luật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc chữa bệnh.

Tiếp tục tìm hiểu, PV nhận thấy Công ty TNHH TM&DV WONMOM – Chăm sóc Mẹ và Bé còn tự đặt tên cho các sản phẩm là “Gel gừng tan mỡ giảm eo”, “Cốt gừng hạ thổ tan mỡ bụng”, “Muối giảm eo đông y thảo dược”, “Dầu gừng massage tan mỡ sau sinh”, được giới thiệu với nhiều công dụng không đúng so với bản công bố.

 Thương hiệu WONMOM tự thay tên đổi họ cho sản phẩm trên website?

Trên trang https://www.wonmom.com/, các sản phẩm này đang được “nổ” là bí quyết giảm eo giúp các mẹ sau sinh phục hồi nét xuân vốn có. Theo giới thiệu, sản phẩm trên được bào chế từ thiên nhiên như: tinh chất gừng nóng, tinh dầu quế hồi, tảo biển, dầu cọ... có công dụng đánh tan mỡ cứng ở tầng sâu nhất, làm trắng vùng bụng và mờ vết rạn thâm trong thời gian mang bầu, kèm theo là khẳng định mỡ lâu năm cũng giảm hết.

Quả thực, bản chất là những sản phẩm mỹ phẩm nhưng lại được tổ chức kinh doanh thương hiệu WONMOM quảng cáo như thuốc nhằm lừa dối người tiêu dùng. Bởi, toàn bộ sản phẩm của WONMOM không có công dụng đánh tan mỡ bụng, giảm eo... như quảng cáo.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng không cấp phép cho sản phẩm có tên “Gel gừng tan mỡ giảm eo”, “Cốt gừng hạ thổ tan mỡ bụng”, “Muối giảm eo đông y thảo dược”, “Dầu gừng massage tan mỡ sau sinh”, như trên website đăng tải. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi đặt niềm tin mua những sản phẩm này.

 Người tiêu dùng không nên tin dùng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật.

Trao đổi với báo chí, TS. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho rằng, muốn giảm cân và tiêu mỡ, cách duy nhất thực sự đem lại hiệu quả là giảm năng lượng nạp vào cơ thể qua thức ăn và tăng năng lượng tiêu thụ bằng cách tập thể dục. Việc bôi kem ngoài da không thể làm tan mỡ cho dù có kết hợp massage.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, Bộ môn Dược - Đại học Y Dược TP.HCM, đến nay không có loại kem bôi ngoài da nào có thể làm tan mỡ tích tụ sâu dưới da. Thực chất của việc giảm tới 6cm vòng eo là do việc thoa kem và quấn nóng làm mất nước tại chỗ và điều này chỉ đánh lừa cảm giác của người dùng. Ngay sau khi sử dụng dịch vụ, người dùng cảm thấy mình gọn hơn nhưng sau đó, cơ thể được bù đủ nước sẽ trở lại trạng thái ban đầu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các chất có trong kem như ớt, gừng, thảo dược tự nhiên không thể thấm xuống các lớp mỡ sâu được nên việc quảng cáo làm tan tảng mỡ ở bụng, hông, đùi mỏng đi sau khi bôi kem là chuyện hoang đường. Một số phụ nữ giảm cân bằng kem tan mỡ đã phải vào viện vì trong kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh như ớt, gừng lại bôi rộng trên vùng da mỏng nên rất dễ bị kích ứng.

Bệnh nhân bôi kem dị ứng nhẹ thường mẩn đỏ tại chỗ, nhiều trường hợp nặng thì bị phồng và rộp da, chảy nước, sau đó là nổi mụn gây viêm da. Từ trước tới nay, phương pháp tập luyện thể dục thể thao vẫn là cách giảm mỡ an toàn và hiệu quả nhất mà các bác sĩ khuyên dùng.

Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo hai trường hợp: Khoản 5 Điều 51: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang