Thị trường carbon: Phát triển vì một hành tinh xanh, bền vững
Thị trường tín chỉ carbon: Chậm trễ nhưng không thể không làm
Tín chỉ Carbon - chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0
Tham gia thị trường Carbon, cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp
Thời gian qua, thị trường carbon, tín chỉ carbon (carbon credit) là những từ khóa được nhắc đến trong rất nhiều buổi tọa đàm, hội thảo do các cơ quan, hiệp hội trong và ngoài nước tổ chức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hiểu rất mơ hồ về tín chỉ carbon, cách thức giao dịch, vận hành xung quanh thị trường mới mẻ này.
Nhằm giúp độc giả và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường tín chỉ carbon, Tạp chí Chất lượng Việt Nam sẽ có những bài viết phân tích chuyên sâu về các vấn đề liên quan.
Thị trường carbon ra đời khi nào?
Tín chỉ carbon (carbon credit) được hiểu như là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí thải nhà kính khác và được trao đổi tại thị trường trong nước và quốc tế. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2 hoặc quy đổi tương đương từ các loại khí nhà kính khác như khí CH4, NO2.
Dù là từ khóa mới chỉ nổi bật và được quan tâm trong vài năm gần đây, nhưng thị trường, tín chỉ carbon đã được xuất hiện từ 16 năm trước.
Cụ thể, thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.
Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã ra đời và phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hóa chính được giao dịch là hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS) và tín chỉ carbon.
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.
Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng từ sau Nghị định thư Kyoto, hai loại thị trường carbon chính được hình thành và phát triển, gồm:
- Thị trường carbon bắt buộc/Thị trường bắt buộc (mandatory carbon market): thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).
- Thị trường carbon tự nguyện/Thị trường tự nguyện (voluntary carbon market): dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
Những ai được tham gia thị trường carbon?
Từ sự hình thành, có thể thấy, thị trường carbon chính là một hệ thống giao dịch, được vận hành có các bên mua, bên bán và các tổ chức trung gian. Bên bán có thể là mọi tổ chức, doanh nghiệp có tổng mức phát thải ròng CO2 âm, là cá nhân, tổ chức thực hiện các dự án chống biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện,..…
Ngược lại, bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải khí nhà kính dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Do đó, bên mua buộc phải mua hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Ở giữa người mua và người bán, các đối tác trung gian là các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các nhà môi giới trung gian.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại.
Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN phân tích, nhiều công ty kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau có thể nhận một khoản thu nhập từ việc giao dịch trên thị trường carbon, thậm chí trở thành nguồn thu nhập đáng kể, điều chưa từng có trước đây. “Chẳng hạn, một công ty A có giới hạn 5 tấn khí thải CO2 nhưng chỉ phát thải 3 tấn, nên sẽ dôi dư ra 2 tín chỉ, trong khi đó, công ty B đang thiếu 2 tín chỉ nên sẽ phải mua 2 tín chỉ của công ty A để bù vào nhằm tuân thủ đúng các quy định của tổ chức, cơ quan ban hành. Ngược lại, các dự án phục hồi hệ sinh thái biển hay trồng rừng sẽ được đo lường, kiểm tra và cấp chứng nhận tín chỉ carbon để giao dịch với đơn vị có hạn ngạch phát thải vượt mức ”, ông An lấy ví dụ.
Cơ hội để người dân phát triển kinh tế, thu lợi nhuận từ việc tạo ra tín chỉ carbon
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đối tượng tham gia thị trường carbon là cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tổ chức có nhu cầu tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.
Thị trường carbon: Ra đời vì một hành tinh xanh, bền vững
Thực tế cho thấy, thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.
Theo số liệu năm 2016 từ Bộ Tài nguyên môi trường, phát thải khí nhà kính quốc gia của Việt Nam khoảng 316 triệu tấn CO2, đứng thứ 27 trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Malaysia). Số liệu năm 2020 sẽ được công bố trong thời gian tới và chắc chắn cao hơn năm 2016. Lượng phát thải chính thuộc lĩnh vực năng lượng, tiếp theo là nông nghiệp, sử dụng đất, trong đó nông nghiệp chiếm khoảng trên 10%.
Việt Nam là quốc gia đã ký Công ước khung về biến đổi khí hậu ngày 11/6/1992, ký Nghị định thư Kyoto ngày 3/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002. Là một bên tham gia Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mục tiêu giảm 15,8% (đóng góp không điều kiện) và 43,5% (đóng góp có điều kiện) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường.
Thép nằm trong danh sách hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế theo cơ chế CBAM giai đoạn 1
Mới đây, việc một thị trường quan trọng dành cho Việt Nam và các nước đang phát triển nhiều ưu đãi là EU chính thức áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) giai đoạn 1 càng đẩy nhanh tiến trình thành lập một thị trường carbon có quy mô lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” để năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Theo đó, có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất thải phải thực hiện trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 - 2025 phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng các biện pháp giảm nhẹ ngay từ bây giờ để kịp đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2026, nếu không có thể sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham gia thị trường carbon và tăng thêm nguồn tài chính để tái đầu tư.
Ngọc Anh - Kim Thoa