Thị trường ngày đầu Xuân Quý Mão: Nguồn cung được bảo đảm, giá cả ổn định

author 07:01 24/01/2023

(VietQ.vn) - Từ ngày mùng Hai Tết, một số cửa hàng tiện lợi và hộ kinh doanh tại các chợ đã mở cửa khai xuân bán hàng trở lại. Do sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Nhìn chung nguồn cung được bảo đảm, thị trường không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Theo Bộ Tài chính, giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen nhưng không có đột biến, sốt giá và vẫn theo quy luật vào các ngày mùng Một, mùng Hai Tết, thị trường vẫn chưa sôi động, giá cả cơ bản ổn định so với trước Tết. Một số trung tâm thương mại lớn tại các địa phương (chủ yếu ở các thành phố lớn) mở cửa phục vụ người dân xuyên Tết như mọi năm.

Sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Quý Mão 2023 tăng từ 8 đến 10% so với tháng thường, tăng tương đương Tết năm 2022. 

Sáng mùng Hai Tết, tại các chợ, một số hộ kinh doanh đã mở cửa khai xuân bán hàng trở lại. Nhu cầu hàng hóa trong những ngày đầu Xuân chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và mặt hàng phục vụ việc thờ cúng, lượng khách đi chợ giảm do người dân đã mua sẵn thực phẩm từ trước Tết và vẫn chưa đi chợ vào những ngày đầu năm. Một số mặt hàng phục vụ Tết như thịt heo, trứng gia cầm, hoa chưng Tết và bánh mứt bắt đầu giảm giá.

Giá dịch vụ giữ xe về cơ bản ổn định, tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định, một số chợ truyền thống, các điểm trông xe tự phát quanh các địa điểm tâm linh có biến động tăng.

Trước đó, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trước, trong và sau Tết, chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là đã dự kiến cho tình huống các địa bàn xảy ra dịch bệnh trong dịp lễ, Tết Quý Mão.

Các tỉnh thành phố đã rất linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương về cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia.

Các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Quý Mão và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức bán hàng đến cận Tết và bán sớm sau Tết để đảm bảo tình trạng khan hiếm hàng hóa không xảy ra, ổn định giá cả thị trường.

Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Quý Mão 2023 chỉ tăng từ 8 đến 10% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2022.

Bộ Tài chính cho biết, từ ngày mùng Ba Tết, như mọi năm, thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023, áp lực tăng giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm sau khi điều chỉnh tăng lương cơ bản, đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật giá sửa đổi.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải…, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang