Thống nhất đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng

authorUyên Triệu 06:25 13/09/2019

(VietQ.vn) - Liên quan đến việc các sản phẩm, hàng hóa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, đơn vị, ngày 05/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7957/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đầu mối trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với một mặt hàng.

Cụ thể, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã thực hiện cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như: loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN; rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN kèm theo mã số HS; Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải KTCN… thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về KTCN theo chỉ đạo tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 105/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến 15/6/2019, nhiều Bộ, ngành đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung văn bản KTCN theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ (84/87 văn bản KTCN, chiếm 97%) và tiếp tục sửa đổi, bổ sung 29 văn bản về KTCN theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành sửa đổi, bổ sung 13 văn bản; đang triển khai 8 văn bản và sẽ hoàn thành 8 văn bản trong thời gian tới).

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh phải chịu sự quản lý của hai hoặc nhiều cơ quan khác nhau. Ví dụ như mặt hàng xe hơi nhập khẩu chịu sự quản lý của các cơ quan: Hải quan, đăng kiểm, công an. Hầu hết các phương tiện vận tải như tàu biển xuất nhập cảnh chịu sự quản lý của các cơ quan: Cảng vụ, hải quan, biên phòng cửa khẩu, kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật, cơ quan thú y...

Theo Tổng cục Hải quan, hiện còn 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể như sau:

Đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa đã có quy định hoặc được các Bộ thống nhất đề xuất tập trung một đầu mối trong KTCN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nghiên cứu, sửa đổi phân loại mã HS chi tiết đối với “Tời điện” theo tải trọng và “Nồi hơi dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển”, “Nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp” theo áp suất làm việc của sản phẩm để đảm bảo thực hiện minh bạch, phân định rõ đầu mối chủ trì KTCN theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa 

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, chuẩn hóa hồ sơ, quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo thực hiện thống nhất đầu mối chủ trì KTCN đối với các sản phẩm hàng hóa thuộc diện KTCN của nhiều đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT theo quy định.

Bộ LĐTBXH được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng Bộ GTVT chủ trì quản lý, thực hiện kiểm tra chất lượng nhập khẩu đối với “Nồi hơi dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển”.

Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) được giao là đầu mối, chủ trì thực hiện thủ tục KTCN đối với “Dây và cáp điện”  “Thiết bị gia dụng NK” và cùng với Bộ Công Thương rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản liên quan quy định việc KTCN đối với “Dây và cáp điện” và “Thiết bị gia dụng nhập khẩu”.

Bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ giao là đầu mối, chủ trì thực hiện kiểm tra chất lượng đối với “Bình chữa cháy” và cùng với Bộ GTVT rà soát, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản liên quan quy định việc KTCN đối với “Bình chữa cháy”.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2019.

Đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa chưa được các Bộ thống nhất đề xuất tập trung một đầu mối trong KTCN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ LĐTBXH, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ NNN&PTNT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2019 phương án xử lý tập trung một đầu mối chủ trì thực hiện thủ tục KTCN đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa, gồm: “Hệ thống làm lạnh”, “Ra đa”, “Nguyên liệu sản xuất nước giải khát”, “Sữa chế biến, các sản phẩm khác từ sữa”, “Bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật”, “Chất hỗ trợ chế biến Casein” và “Dược liệu”.

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, chung tay của Chính phủ trong việc đẩy mạnh triển khai cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần tạo thuận lợi nhưng phải đảm bảo tăng cường chống gian lận thương mại.

Bảo Lâm

31 sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc Bộ Công an quản lý không phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan(VietQ.vn) - Theo quy định mới của Bộ Công an, từ ngày 10/5/2019, có 31 sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm 2 sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang