Thu giữ hơn 25.000 sản phẩm bảo vệ động cơ ô tô, xe máy có dấu hiệu giả mạo xuất xứ

author 06:48 11/07/2021

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH MOTOR LIFE tổ chức sản xuất các sản phẩm phụ gia chăm sóc, bảo vệ động cơ xe máy có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá phối hợp với Phòng PC03 (Công an tỉnh Thanh Hóa) đột xuất tiến hành khám kho của Công ty TNHH MOTOR LIFE, địa chỉ: Lô A3 Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, Thành phố Thanh Hóa.

Hàng loạt sản phẩm bảo vệ động cơ xe máy, ô tô có dấu hiệu giả mạo xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty này đang tổ chức sản xuất các sản phẩm phụ gia chăm sóc ô tô, xe máy có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa gồm: Dung dịch làm sạch hệ thống xăng, dung dịch xúc rửa động cơ, dung dịch xử lý chống ma sát bảo vệ động cơ, keo vá lốp các nhãn hiệu như HP-NANO X, TITAN-OIL, AIRLOCK...

Mặc dù đa phần sản phẩm được sản xuất tại kho của Công ty TNHH MOTOR LIFE (địa chỉ tại Lô A3 Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, Thành phố Thanh Hóa) nhưng trên nhãn hàng hóa lại được thể hiện nguồn gốc xuất xứ là “Made in USA” hoặc “Xuất xứ: Mỹ”.

Dụng cụ máy móc sản xuất  

Tại thời điểm khám xét, đại diện công ty chưa xuất trình được các giấy tờ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất cũng như các hoá đơn chứng từ liên quan đến hàng hoá, nguyên liệu sản xuất. Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra tạm giữ hơn 25.000 sản phẩm hàng hóa các loại và toàn bộ nguyên vật liệu, công cụ, phương tiện, máy móc tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa để tiếp tục tiến hành các bước xác minh, làm rõ.

Liên quan tới việc đấu tranh chống tình trạng giả mạo xuất xứ, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCĐ389 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, các lực lượng chức năng đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động trong việc nắm tình hình, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát từ biên giới đến nội địa; xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các đường dây tổ chức buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, nhất là ở các địa bàn, mặt hàng trọng điểm nên hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình an ninh – trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, làm tốt hơn công tác tuyên tryền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Theo kết quả báo cáo các Bộ, ngành và địa phương, các lực lượng chức năng trong cả nước đã xác lập các chuyên án, kế hoạch và triển khai nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh với các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên cả nước. Điển hình như việc bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 1.501 vụ/1.077 đối tượng thu giữ nhiều loại hàng hóa; lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 411 vụ, trong đó khởi tố 22 vụ/14 bị can; xử lý hành chính 371 vụ, phạt tiền 2.404 triệu đồng; lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ 30 vụ, trị giá hàng hóa ước tính trên 35 tỉ đồng; lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra/ xử lý 10.533 vụ/9.510 vụ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 37.266.175.200 đồng, trị giá hàng hóa hơn 26,821 tỷ đồng.

Qua triển khai Kế hoạch 19, nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cũng đã được Ban chỉ đạo 389 quốc gia tập hợp và chỉ rõ. Trong đó, có tình trạng hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam hoặc sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc phiếu bảo hành, sau đó thông qua nhiều phương thức gian lận để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu tiếp đi nước thứ 3 thì nhãn hàng hóa được thay mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” để lừa dối người tiêu dùng.

Bảo Linh (T/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang