Thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao vì liên quan đến hơn 17 tấn cà phê giả

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp sản xuất cà phê Dạ Thảo vừa bị Công an phát hiện đã bán ra thị trường hơn 17 tấn cà phê giả, từng được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện.
Dữ liệu khách hàng của The North Face và Cartier bị đánh cắp trong làn sóng tấn công mạng
Hơn 19.000 thùng Dr Pepper đã bị thu hồi vì ghi sai nhãn
Đảm bảo tính khách quan và khoa học khi áp thuế nước giải khát có đường
Cà phê Dạ Thảo được biết đến là một tên tuổi khá nổi tiếng tại Phú Yên, chuyên cung cấp nhiều dòng sản phẩm cà phê đóng gói với mẫu mã bắt mắt, mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng địa phương. Được biết, các sản phẩm cà phê này được sản xuất bởi Doanh nghiệp tư nhân Đại Chúng – Dạ Thảo (trụ sở tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) do bà Đặng Thị Hòa Hiệp, thường trú tại khu phố 3, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM làm chủ.
Dù không sở hữu hệ thống phân phối trên toàn quốc, thương hiệu này vẫn chiếm lĩnh được một thị phần nhất định tại khu vực miền Trung, đặc biệt nhờ vào hình ảnh sản phẩm cà phê “mộc nguyên chất", được sản xuất theo quy trình truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, từ cuộc kiểm tra hành chính ngày 11/4 với sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan chức năng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Yên đã tạm giữ 6.845 túi cà phê dạng bột, với tổng trọng lượng hơn 3.455 kg, 1 ôtô bán tải BKS 78C-064.94 cùng nhiều công cụ, thiết bị có liên quan như máy rang, xay, trộn cà phê, máy đóng gói bao bì, in ấn ngày sản xuất, hạn sử dụng và nhiều thùng chứa chất phụ gia…
Sau quá trình thu thập chứng cứ và trưng cầu giám định, Công an xác định từ tháng 12/2024 đến tháng 4 năm 2025, doanh nghiệp của bà Hiệp đã điều chỉnh công thức sản xuất, giảm hàm lượng cafein trong sản phẩm cà phê bột thương hiệu Dạ Thảo, không đúng với chất lượng đã công bố.
Tổng lượng cà phê mà doanh nghiệp này sản xuất trong thời gian trên là hơn 21 tấn, tương đương hơn 42.000 sản phẩm. Trong đó, 17,6 tấn đã đưa ra thị trường (tương đương hơn 35.300 sản phẩm) thu về số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Số còn lại đã bị cơ quan chức năng thu giữ.
Bà Hiệp đã thừa nhận hành vi sản xuất, buôn bán cà phê không đạt chất lượng đã công bố, gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Nguyên nhân giảm hàm lượng cafein là giá nguyên liệu cà phê nhân đầu vào tăng cao. Bà Hiệp thừa nhận hành vi sai phạm và tự nguyện nộp 590 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Bảo Linh (t/h)