Thủ tướng: Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế

author 09:56 14/03/2022

(VietQ.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Sau một ngày khảo sát thực địa, sáng 13/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trước mắt là xây dựng cơ chế chính sách, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị để trình Quốc hội.

Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; về phía tỉnh Khánh Hòa có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiềm năng, thế mạnh, cơ hội rất lớn

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ; cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa đạt được một số kết quả tích cực, trong đó 13/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là thu ngân sách đạt trên 14 ngàn tỷ đồng, vượt hơn 2% so với kế hoạch.

Tuy nhiên trong năm 2021, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Toàn tỉnh có 8/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội không đạt kế hoạch; khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chưa cân bằng, bền vững; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng tại một số nơi chưa chặt chẽ...

Năm 2022, tỉnh triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5%.

Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung công tác lập quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm; phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Tại buổi làm việc, tỉnh Khánh Hòa đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số đề xuất nhằm phục hồi kinh tế - xã hội nhanh và phát triển bền vững; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị như: đề nghị bổ sung một số quy hoạch của tỉnh vào quy hoạch chung toàn quốc; phân cấp, phân quyền, cho phép triển khai một số dự án đầu tư lớn trên địa bàn; triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông...

Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Khánh Hòa nằm ở trung tâm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có 3 vịnh lớn, thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn, có quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; là tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ, là cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tình nằm trên các trục giao thông đường bộ quan trọng của cả nước, có các cảng biển nước sâu, nằm gần đường hàng hải quốc tế sôi động, có sân bay quốc tế Cam Ranh với lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước… Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đang được đầu tư, hoàn thiện đồng bộ (đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không).

Với khí hậu ôn hòa, "biển xanh, cát trắng, nắng vàng", cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, người dân hiền hòa, Khánh Hòa đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng mang tầm khu vực và quốc tế.

Báo cáo của tỉnh và các đại biểu đã tập trung phân tích về một số định hướng lớn, đột phá phát triển Khánh Hòa trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong năm 2022 là chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và đề xuất Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Phát triển KKT Vân Phong theo hướng hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế

Trong đó, tập trung phát triển Khu kinh tế Vân Phong, khu đô thị sân bay tại huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh theo hướng hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; phát triển nuôi biển công nghệ cao; hoàn thành công tác lập và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch quan trọng trên địa bàn tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang và Khu Kinh tế Vân Phong).

Tỉnh nêu một số kiến nghị, đề xuất liên quan tới quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, nghiên cứu công nghệ đại dương… Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, tỉnh ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách địa phương, ngân sách hỗ trợ từ Trung ương để dẫn dắt và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn, trong đó có các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Khánh Hòa sẽ học tập kinh nghiệm các địa phương đã thành công trong việc thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước theo hình thức đối tác công tư; chủ động đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương giao cho tỉnh Khánh Hoà thẩm quyền triển khai một số dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng khác bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Điều kiện thuận lợi không nơi nào có được

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, ngoài các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa là một trong số ít tỉnh được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về định hướng xây dựng và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, Khánh Hòa có những điều kiện thuận lợi không địa phương nào tại Việt Nam có được, cụ thể là điều kiện tự nhiên (có rừng, có núi, có biển, có đảo), điều kiện kinh tế - xã hội (các tuyến giao thông của cả nước đều đi qua đây), truyền thống lịch sử văn hóa, người dân thông minh, sáng tạo, hiền hòa, yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến chống ngoại xâm. 

Tỉnh rất có tiềm năng để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; có điều kiện phát triển hài hòa, hợp lý giữa kinh tế, xã hội và môi trường; có điều kiện phát triển thành trung tâm của vùng, là nơi hội tụ "phía Bắc đi vào, phía Nam đi ra, Tây Nguyên đi xuống".

Thủ tướng đánh giá, trong năm 2021, Khánh Hòa đã có đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung cả nước, nhất là phòng, chống dịch có hiệu quả, thu ngân sách vượt chỉ tiêu và tăng so năm 2020, đạt và vượt 13/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng, làm được một số việc về cơ cấu lại kinh tế. Hoạt động du lịch hồi phục nhanh khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều nỗ lực. Trong hai tháng đầu năm, các lĩnh vực đều tăng trưởng, phù hợp với xu thế phục hồi tích cực trên cả nước.

Thủ tướng tán thành về những trăn trở, băn khoăn của các đại biểu, như tại sao tỉnh có điều kiện thuận lợi như vậy nhưng chưa phát triển bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cần phải suy nghĩ thêm để làm rõ điều này. Việc khắc phục hậu quả các vấn đề sau thanh tra, kiểm tra còn chậm. Giải ngân đầu tư công còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế (năm 2020, PCI xếp thứ 26/63, PAPI trong nhóm 16 tỉnh có điểm thấp nhất cả nước).

Phải tự tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài

Về nhiệm vụ trong năm 2022 và năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tổng kết thực tiễn, phân tích kỹ, mổ xẻ những tồn tại, hạn chế, bất cập, phát huy những kết quả, rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ thời gian tới.

Về tổng thể, Thủ tướng yêu cầu phải xác định những năm tới đây còn khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi; khó khăn, thách thức hơn những năm qua để thực hiện yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, với tác động của các yếu tố bên ngoài mà chúng ta chưa thể lường hết và những khó khăn nội tại chưa giải quyết được.

Phải xác định như vậy để tự lực, tự cường, chuẩn bị năng lực ứng phó với những vấn đề đột xuất xảy ra; bám sát dự báo tốt tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các vấn đề cụ thể, thích ứng với tình hình, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng yêu cầu khắc phục bằng được những yếu kém, hạn chế kéo dài nhiều năm về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý cán bộ…; với các vấn đề đã được chỉ ra theo các kết luạn thanh tra, kiểm tra, cần xây dựng, đề xuất phương án khắc phục để xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.

Với vị trí chiến lược, tỉnh phải kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ quốc phòng, an ninh. Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư với các mô hình: Lãnh đạo công và quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công, khiêm tốn, cầu thị học hỏi các bài học hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý quan tâm đầu tư cho công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh cán bộ, theo tinh thần đây là khâu "then chốt của then chốt" và đầu tư cho nhân lực là đầu tư cho phát triển; xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, chủ động, sáng tạo, thích ứng tình hình, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ,.

Đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa

Về nhiệm vụ cụ thể, trước hết, Thủ tướng yêu cầu tập trung nhiều hơn nữa và dứt điểm cho công tác quy hoạch theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch đi trước một bước, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương; tạo ra cơ hội mới để thu hút nguồn lực; tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Việc này cần làm càng sớm càng tốt và ngay sau quy hoạch phải dành nguồn lực để thực hiện, trước mắt ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại đây; tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, ổn định cuộc sống lâu dài trên huyện đảo, theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Cùng với đó, tỉnh cần tập trung nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai ngay các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết.

Một nhiệm vụ khác là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân theo yêu cầu của Chính phủ, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong điều kiện hiện nay.

Cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ "bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển" của mình; đồng thời tự tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là nguồn lực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nguồn vốn và cách quản trị.

Ngọc Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang