Thực hư việc trái cây xuất đi Trung Quốc phải truy xuất nguồn gốc

author 17:30 01/04/2018

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương vừa có thông tin yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc cần tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ. Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT lại cho biết, chưa nhận được thông tin này từ nước bạn.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - Bộ Công Thương gần đây, qua phản ánh của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam, đơn vị này có nhận được thông tin về yêu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý Quảng Tây đối với hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải đáp ứng yêu cầu bao bì, nhãn mác của nước này

Yêu cầu này áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Theo đó , từ ngày 1/4/2018, hoa quả Việt Nam xuất sang thị trường này sẽ phải tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ.

Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin bổ sung, hoặc mã vạch, QR code, tem chống hàng giả…

Tuy nhiên, ngày 30/3, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) trả lời trên báo chí khẳng định, chưa hề nhận được thông tin này và hiện các loại trái cây của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang xuất sang Trung Quốc bình thường.

Ông Hoàng Trung cho biết: “Tôi không hiểu Bộ Công Thương lấy thông tin từ đâu, nhưng chúng tôi là cơ quan chính thống (chịu trách nhiệm chính về kiểm dịch nông sản xuất nhập khẩu) chưa nhận được thông tin chính thức gì từ cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc”.

Theo ông Trung, có thể thông tin mà Bộ Công Thương thông báo là đúng thì văn bản chính thống của cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc gửi Cục Bảo vệ thực vật chưa đến nơi. Nhưng cũng có thể các thông tin mà Bộ Công Thương đưa ra là không đúng. Trên thực tế tại thời điểm này, việc thông thương giữa các cửa khẩu của 2 nước vẫn diễn ra bình thường, cơ quan kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn triển khai công việc như trước, hàng ngày tiếp xúc công việc với nhau và phía bạn chưa có bất kỳ thông tin nào về việc này.

Ông Hoàng Trung cũng khẳng định, về mặt nguyên tắc, Trung Quốc với Việt Nam đều tham gia WTO và đều thống nhất rằng, khi có bất kỳ biện pháp gì thay đổi phải thông báo cho cơ quan chính thức phía bên kia để có biện pháp và thời gian thích ứng để triển khai. Nếu một biện pháp, quy định thay đổi quan trọng như vậy sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trên phạm vi rộng chứ không chỉ riêng một tỉnh nào.

Theo quy định về truy xuất nguồn gốc thì các thông tin cần phải có gồm: tên sản phẩm trái cây, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra khi cần thiết. Vì vậy, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi - Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam cần chủ động đáp ứng quy định mới của Trung Quốc để tránh hàng hóa bị trả về.

Thông tin này đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Quảng Tây, Trung Quốc hoang mang, lo lắng. Bởi thời gian yêu cầu đã đến, nhưng thông tin nhận được quá muộn, không có sự chuẩn bị.

Dù đây là điều kiện tất yếu trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng việc một thị trường phổ thông như Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn cần thiết như vậy buộc các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nước ta phải có bước chuẩn bị tốt và thận trọng hơn.

Thực tế, vẫn còn một lượng lớn hàng nông sản nước ta được các cơ sở xuất khẩu nhỏ lẻ sang nước này. Do vậy, nguy cơ ảnh hưởng đối với mặt hàng trái cây xuất khẩu vào Trung Quốc là không hề nhỏ.

DN cần biết: Xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc phải có tem truy xuất nguồn gốc(VietQ.vn) - Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam cần lưu ý về những quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa sang thị trường Quảng Tây, Trung Quốc.

 Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang