Thuốc: Khó quản từ gốc đến ngọn

author 07:44 27/10/2012

Tân dược kém chất lượng bị đình chỉ, thu hồi ngày càng nhiều. Đông dược giả, trộn độc chất được phát hiện trên 60% mẫu kiểm tra, khiến người dân lo ngại.

Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm mặt hàng tân dược kém chất lượng bị thu hồi và tiêu hủy. Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu, từ kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, giảm béo, đau dạ dày, tim mạch, tuần hoàn não đến các loại vitamin. Đối với thuốc giả, kháng sinh Ampicillin 500mg và Augmentin 625mg là hai sản phẩm bị làm giả nhiều nhất do được bác sĩ thường xuyên kê toa. Ngoài những thuốc này, thị trường Việt Nam còn phát hiện nhiều loại thuốc giả khác như Zinnat, Fugacar, Levitra…

Đối với mặt hàng đông dược, kết quả kiểm tra định tính, định lượng và tạp chất do Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư thực hiện mới đây trên gần 400 mẫu dược liệu cho thấy, có đến 60% mẫu chưa đạt chất lượng theo Dược điển Việt Nam và 20% vị thuốc có trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp. Kết quả kiểm nghiệm cũng chỉ ra 4 nhóm dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền có trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa.

Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc tân dược tại địa bàn Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc tân dược tại địa bàn Hà Nội.

Theo bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, các vị thuốc Đông y, dược liệu được làm giả rất tinh vi. Điển hình là vị thuốc bạch linh. Nếu trước đây để phát hiện bạch linh giả, người ta thử nghiệm bằng cách cho vào nước sẽ tan nhanh nhưng nay vị thuốc này đã được "tẩm" canxi cabonat để thuốc không tan trong nước; dược liệu thỏ ty tử không chỉ có trộn bột ximăng mà còn "nhuộm" các chất vô cơ khác.

Theo Vụ Y dược cổ truyền, ngoài một số ít hãng nhập khẩu dược liệu chính thức bảo đảm về chất lượng, còn lại 90% dược liệu đang lưu hành trên thị trường được nhập lậu qua các đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, không thể kiểm soát chất lượng. Các đợt kiểm tra trước đây, cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện một số dược liệu nhập khẩu đắt tiền như hoàng kỳ, nhân sâm... trước khi bán sang Việt Nam đã tách chiết hết hoạt chất, không còn tác dụng dược lý.

Có thể nói, chưa bao giờ mật độ phát hiện, yêu cầu thu hồi và bắt giữ các loại thuốc giả lại dày đặc như thời gian vừa qua. Vấn đề "quản" lĩnh vực này như thế nào, các chuyên gia, lãnh đạo ngành đều kêu khó.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Nội, gần đây, thủ đoạn sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi, chỉ có thể phát hiện được khi phân tích kiểm nghiệm dưới sự trợ giúp của các máy móc hiện đại. Về việc này, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, qua kiểm tra, Sở Y tế phát hiện nhiều mặt hàng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có cả thuốc tăng lực giả được bày bán lẫn với thuốc thật với giá "trên trời".

Tuy nhiên, để kiểm soát mặt hàng này, ngành y tế không làm xuể, phải có sự phối hợp của quản lý thị trường, công an, hải quan… Song, khi thuốc thành phẩm tung ra thị trường, các ngành cũng chỉ kiểm soát được từ phần "ngọn". Quản lý phần "gốc" còn khó hơn bội phần, bởi chất lượng nguồn dược liệu, đầu vào của thuốc rất khó kiểm soát. Việc xác định đúng dược liệu đầu vào và xây dựng các chất đối chiếu từ dược liệu đang là vấn đề khó của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Theo KTĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang