Thương mại điện tử xuyên biên giới: Doanh nghiệp ‘ngồi tại chỗ’ vẫn mở rộng thị trường

author 05:56 27/05/2022

(VietQ.vn) - Thương mại điện tử xuyên biên giới chính là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ðể có thể bán hàng thành công trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp cần định hướng chiến lược sản phẩm sao cho phù hợp thị hiếu khách hàng.

Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề thị trường bán lẻ toàn cầu. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bán lẻ toàn cầu năm 2020 sụt giảm đến 2,8%. Tuy nhiên, bán lẻ thông qua thương mại điện tử lại tăng trưởng đột biến hơn 27%. Ðến nay, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên thế giới, nhưng xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử dự báo vẫn không đảo ngược khi người tiêu dùng đã chuyển dần thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến.

Dự kiến đến năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 23,4% trong tổng doanh số bán lẻ toàn cầu. 5 nhóm hàng được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trên môi trường thương mại điện tử là thời trang; điện tử và điện dân dụng; đồ chơi; nội thất và đồ gia dụng; thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Trong đó, theo đánh giá, các nhóm hàng trên Việt Nam đều có tiềm năng lớn ngoại trừ điện tử dân dụng.

Thương mại điện tử xuyên biên giới chính là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ảnh minh họa.

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực phía bắc của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Thứ nhất, họ có thể cắt bỏ hầu hết các khâu trung gian trong mô hình phức tạp của xuất khẩu truyền thống để dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng.

Thứ hai, doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng. Ðây là điểm khác biệt rất lớn so mô hình xuất khẩu truyền thống là khi hàng xuất khỏi kho, doanh nghiệp khó có thể biết các nhà bán lẻ, nhà phân phối làm gì với hàng hóa của mình.

Thứ ba, thương mại điện tử là cơ hội để doanh nghiệp có thể tự xây dựng cũng như định vị được thương hiệu. Chính vì những lợi thế đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Theo thống kê của Amazon, hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Trịnh Khắc Toàn cũng nhận định, thực tế vẫn có gần 80% số doanh nghiệp Việt chưa biết cách khai thác thế mạnh, tiềm năng của mình trên sàn thương mại điện tử cả nội địa và quốc tế. Trong khi đó, các nền tảng như Amazon có thể hỗ trợ người bán hàng “ngồi tại chỗ” vẫn tiếp cận với 300 triệu khách hàng ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vì vậy, thương mại điện tử xuyên biên giới chính là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ðể có thể bán hàng thành công trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp cần trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật trong công nghệ mà các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang áp dụng. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm trên không gian số sao cho phù hợp thị hiếu quốc tế và thuyết phục được người tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau. Một lưu ý quan trọng là đừng bỏ qua việc khai thác, tận dụng lợi ích từ phần hỗ trợ, hạ tầng hậu cần cũng như công cụ, dịch vụ tiên tiến mà các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cung cấp để nhanh chóng triển khai hoạt động xuất khẩu.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang