Tịch thu hơn 1.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc

author 05:26 07/03/2020

(VietQ.vn) - Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Quảng Nam) vừa tiến hành kiểm tra, tịch thu hơn 1.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Quảng Nam) vừa tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng, địa chỉ 62 Lê Tấn Trung, khối phố Xuân Nam, phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam do ông Đặng Đình Quang làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Quang không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng đồ chơi trẻ em.

Đội QLTT số 1 đã ra Quyết định xử phạt ông Đặng Đình Quang về hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tịch thu 10 chiếc xe đẩy trẻ em, 700 cây thổi bong bóng, 240 chiếc xe ô tô không pin, 20 chiếc xe ô tô dùng pin, 250 chiếc xe ô tô điều khiển dùng pin, 15 hộp Bowling, 05 hộp siêu nhân.

Cùng ngày, Đội QLTT số 1 cũng đã kiểm tra 02 xe ô tô mang biển kiểm soát 51C.87314 và xe ô tô 75H.3625 chở 1.247 chiếc mũ bảo hiểm các loại, 32 chiếc xe đạp các loại (chưa hoàn chỉnh). Tại thời điểm kiểm tra, số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xác minh, xử lý theo quy định.

Lực lượng quản lý thị trường Quảng Nam kiểm tra cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có sai phạm. Ảnh: BCĐ 389 

Liên quan tới thực trạng còn có những cá nhân, tổ chức cố tình làm sai các quy định khi sản xuất, kinh doanh, phân phối đồ chơi trẻ em, theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCLSPHH cũng đề xuất các Bộ (Giáo dục và đào tạo, Công thương, KH&CN…) cần phối hợp với nhau để ban hành danh mục hàng hóa là đồ chơi trẻ em bị cấm lưu thông trên thị trường (những đồ chơi gây nguy hiểm, đồ chơi bạo lực, đồ chơi ảnh hưởng xấu đến giáo dục thể chất, trí tuệ, tâm hồn trẻ nhỏ).

Bên cạnh đó, đề nghị ngành Giáo dục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về tác hại của đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có dấu hợp quy cũng như không được chứng nhận và công bố hợp quy của sản phẩm đến giáo viên, phụ huynh và học sinh tại các cấp học, đặc biệt là ở cấp tiểu học và mầm non, là nhóm lứa tuổi tiếp xúc thường xuyên với đồ chơi để biết cách lựa chọn hàng hóa an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật cho các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh vùng sâu vùng xa từng bước nắm và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc gắn dấu hợp quy lên sản phẩm phải được thực hiện trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường và công việc này phải do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện và gắn trách nhiệm của tổ chức chứng nhận thông qua việc chứng nhận chất lượng và gắn tem hợp quy của tổ chức mình.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang