Tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam hậu Covid-19

author 06:48 18/06/2020

(VietQ.vn) - Hậu Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển, trong đó, điển hình nhất là lĩnh vực thu hút FDI và xuất khẩu hàng hóa.

Hiện nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam về cơ bản được kiểm soát; cùng với đó, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, người dân đang dần đi vào cuộc sống, nên các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh đang dần trở lại nhịp độ bình thường. Đánh giá tiềm năng phát triển của nền kinh tế hậu Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển. Trong đó, điển hình nhất là lĩnh vực thu hút FDI và xuất khẩu hàng hóa.

Cụ thể, theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, tạo ra một lợi thế trong khi các nước khác đang gặp khó khăn. Điều này góp phần xây dựng và củng cố lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài và là cơ hội lớn đề dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.

“Các nhà đầu tư cũng nhìn thấy “cơ hội vàng” tại Việt Nam nhờ sự phát triển kinh tế liên tục trong các năm vừa qua, cụ thể là sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế. Trong tháng 4 vừa qua đã có các dấu hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài” – TS. Thắng nhận định.

Tuy nhiên, TS. Phan Hữu Thắng cũng lưu ý, để tận dụng cơ hội trong thu hút FDI, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều việc, trong đó cần có nhiều chính sách, sự hỗ trợ để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc... là những việc cần thiết.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển, trong đó, điển hình nhất là lĩnh vực thu hút FDI và xuất khẩu hàng hóa. Ảnh minh họa.

Nói về những cơ hội trong xuất khẩu hàng hóa, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, rõ ràng cơ hội đang mở ra trong xuất nhập khẩu nhưng nó còn phụ thuộc vào các yếu tố mà Việt Nam có nắm rõ được không.

Theo bà Trang, ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố: Sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự. Xét trên 2 yếu tố này, hiện tại cầu vẫn yếu, cung thì trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Việt Nam được lợi một chút khi sản xuất ở các nền kinh tế đối thủ bị đình đốn, nhưng đến quý II/2020, khi cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm đột ngột thì cung cũng bị ảnh hưởng theo.

Khi các nền kinh tế lớn của thế giới khởi động trở lại sau dịch, nguồn cung của thế giới cũng sẽ gặp khó khăn. Nêu vấn đề này, TS. Trang viện dẫn, Trung Quốc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ dùng giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, các nhà xuất khẩu sẽ e ngại rủi ro đến từ việc "tập trung trứng vào một rổ", và có sự điều chỉnh các ngành nghề thiết yếu đang phụ thuộc vào nước ngoài.

Sẽ có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang đa dạng hóa thị trường sản xuất, và nhiều nền kinh tế sẽ chuyển dịch nhà máy sản xuất về gần nước mình hơn. Thậm chí có nhiều nước còn hỗ trợ để nhà đầu tư quay về thị trường bản địa. Do đó, các nhà xuất khẩu không chỉ bị cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ở nước khác mà còn chịu sức ép cạnh tranh ở chính thị trường nội địa bởi ngành sản xuất nội địa của nước bản địa đang lớn dần lên.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch Tổ chức Năng suất Châu Á: Ưu tiên hỗ trợ các nền kinh tế thành viên vượt qua khó khăn hậu COVID-19(VietQ.vn) - Theo đề xuất từ phía Việt Nam, Tổ chức năng suất Châu Á sẽ cùng các nền kinh tế thành viên ra cam kết chung về có các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang