Cần chế tài mạnh tay xử lý nạn sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả

author 15:55 26/10/2023

(VietQ.vn) - Thời gian vừa qua, nhiều công ty sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả số lượng lớn đã bị phát hiện và xử lý.

Phát hiện, thu giữ lượng lớn thực phẩm chức năng giả

Công an TP.Thanh Hóa cho biết vừa bắt giữ bốn nghi phạm, thu hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng giả, với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng tiền hàng hóa ước tính hơn 10 tỉ đồng. Theo đó, qua nắm bắt tình hình từ cơ sở, Công an TP đồng loạt khám xét 10 địa điểm là nhà máy sản xuất, kho chứa hàng hóa, xưởng in bao bì sản phẩm trên địa bàn TP.Thanh Hóa, huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) và tỉnh Bắc Ninh.

 Các đối tượng (từ trái qua phải): Hoàng Thị Nga, Lê Quý Đôn, Vũ Huy Hải, Lương Trọng Phúc và tang vật bị thu giữ.

Tại hiện trường, công an đã thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả, tổng tiền hàng hóa ước tính hơn 10 tỉ đồng.

Theo cơ quan chức năng, cách thức hoạt động của đối tượng hết sức tinh vi, thành lập ra công ty sản xuất, công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ, không treo biển công ty nhằm che mắt cơ quan chức năng. Trong đó, Vũ Huy Hải trực tiếp xây dựng kế hoạch làm giả sản phẩm "trà táo Adela". Đây là sản phẩm đã được Công ty TNHH Hoàng Châu Pharma, có địa chỉ tại đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm.

Vũ Huy Hải liên hệ với Lê Quý Đôn, Hoàng Thị Nga để cung cấp công thức thành phần hàng chính hãng, thuê hai nghi phạm này gia công ruột và màng của sản phẩm "trà táo Adela", rồi thuê Lương Trọng Phúc in bao bì sản phẩm này giả, bán ra thị trường.

Do ham lợi nhuận nên Lê Quý Đôn và Hoàng Thị Nga đã bàn bạc, thống nhất giảm hàm lượng thành phần các chất so với công bố trên sản phẩm của một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác, đặc biệt là thực phẩm chức năng có giá thành cao để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Mỗi sản phẩm, các nghi phạm được hưởng lợi nhuận gấp hàng chục lần so với giá trị ban đầu.

Tại cơ quan công an, các nghi phạm nêu trên khai nhận do nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng tìm mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ não, thực phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, thực phẩm bổ mắt dành cho trẻ em, sữa uống dành cho người già, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày nên đã thành lập nhà máy sản xuất, gia công thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bán ra thị trường nhằm trục lợi.

Sau khi hàng hóa được sản xuất, các nghi phạm tiếp cận nhà thuốc, phòng khám và đại lý tân dược để bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nghi phạm còn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội Facebook, Zalo… để dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của cơ quan chức năng.

Trước đó vào ngày 31/5, Đoàn kiểm tra do Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 25 và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra đột xuất căn nhà cấp 4 nằm sâu trong khu dân cư ở thôn Cao Sơn. Lực lượng chức năng phát hiện 4 người đang gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong bao nylon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác. Trong đó, có gần 12.000 lọ thực phẩm chức năng nghi là hàng giả.

Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, tại cơ sở này còn có 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác, 67kg viên thuốc các loại không có nhãn mác, 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả, 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại.

Tăng cường biện pháp xử lý cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả

Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã thanh tra, kiểm tra 12.052 vụ (tăng 14,17% so cùng kỳ), xử lý hành chính 11.136 vụ vi phạm (tăng 18,12% so cùng kỳ).

Dưới góc độ pháp lí, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống Luật sư X, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đánh giá, vấn đề quản lý và xử phạt quảng cáo sai sự thật về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Trong trường hợp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt cao nhất với mức tù chung thân với cá nhân hoặc phạt đến 18 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm với pháp nhân thương mại phạm tội.

Theo Luật sư Lai, mức xử phạt từ phạt áp dụng với cá nhân từ 5 đến 20 năm, ngoài ra áp dụng các hình thức phạt bổ sung như phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, có thể thấy rằng chế tài xử phạt đã có đủ sức răn đe đến các đối tượng là cá nhân vi phạm.

“Tuy nhiên, mức xử phạt áp dụng với pháp nhân thì có thể chưa đủ sức răn đe. Bởi vì trên thực tế có thể thấy, vi phạm quy định này phần lớn vẫn là do chủ thể là các pháp nhân, số lợi bất chính thu được từ hành vi này rất lớn. Chính vì vậy, nhiều pháp nhân vẫn bất chấp vi phạm để thực hiện hành vi đó” - vị luật sư nhận định. Luật sư Bùi Xuân Lai cũng đề nghị cần có thêm các chế tài mạnh hơn để răn đe hành vi phạm tội kể trên, không chỉ xử phạt về mặt kinh tế mà cần mạnh tay hơn, đình chỉ vĩnh viễn hoạt động kinh doanh của họ.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang