Tiếp xúc với thủy ngân có trong tự nhiên nguy cơ gây độc, tử vong

author 06:42 25/11/2021

(VietQ.vn) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với kim loại nặng có trong tự nhiên có thể gây độc cho cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch.

Tìm thấy trong bộ xương người 5.000 năm tuổi bị nhiễm độc thủy ngân

Theo một nghiên cứu mới đây, bằng chứng sớm nhất về nhiễm độc thủy ngân đã được tìm thấy trong bộ xương người 5.000 năm tuổi được chôn cất ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với kim loại nặng có trong tự nhiên có thể gây độc cho cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch. Đó là lý do tại sao WHO coi thủy ngân là một trong 10 hóa chất hàng đầu nguy hại đến sức khỏe con người.

Ngày nay, con người thường tiếp xúc với thủy ngân khi họ ăn một số loại cá biển hoặc động vật có vỏ, mặc dù hàm lượng thủy ngân rất thấp, theo WHO.

 Thủy ngân vô cùng nguy hại cho con người khi tiếp xúc. Ảnh minh họa

Để tìm ra điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích xương người được thu thập từ 23 địa điểm khảo cổ khác nhau, bao gồm các hang động, trên khắp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các bộ xương thuộc về 370 cá nhân sống trong các khoảng thời gian khác nhau trong khoảng thời gian 5.000 năm.

Phân tích một số xương, chủ yếu là xương đùi, xương cánh tay giữa vai và khủyu tay, cho thấy hàm lượng thủy ngân cao bất thường với nồng độ không phải do chế độ ăn uống hoặc do phân hủy sau khi chết.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nồng độ thủy ngân lên tới 400 phần triệu trong một số hài cốt, cao hơn nhiều so với mức 1 hoặc 2 ppm mà WHO cho là mức bình thường của con người.

Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ cao bất thường của thủy ngân có thể là do tiếp xúc với chu sa, một khoáng chất thủy ngân sulfua độc hại, khi được nghiền thành bột mịn, có màu đỏ tươi và đã được sử dụng để sản xuất bột màu sơn trong lịch sử. Một trong những mỏ chu sa lớn nhất trên thế giới là ở Almadén, Tây Ban Nha.

Người ta bắt đầu khai thác kho tàng chu sa của Almadén vào thời kỳ đồ đá mới, khoảng 7.000 năm trước. Hàm lượng thủy ngân cao nhất nằm trong các di tích có niên đại khoảng 2900 đến 2300 trước Công nguyên, hoặc từ cuối thời kỳ đồ đá mới đến thời đại đồng giữa (là sự chuyển tiếp giữa thời đại đồ đá mới và đồ đồng).

Vào thời điểm này, chu sa đã trở thành một chất có tính biểu tượng cao, có lẽ là mang tính linh thiêng, được săn lùng, buôn bán và sử dụng rộng rãi trong nhiều nghi lễ và thực hành xã hội.

Trong những ngôi mộ có niên đại từ thời kỳ này được tìm thấy ở miền nam Bồ Đào Nha và Andalusia, bột chu sa được sử dụng để sơn buồng, trang trí các bức tượng nhỏ và thậm chí là rải lên người chết. Theo tuyên bố của nhóm nghiên cứu, có thể mọi người đã vô tình hoặc cố ý vì những lý do liên quan đến nghi lễ, hít hoặc tiêu thụ một lượng lớn chu sa chứa đầy thủy ngân.

Thủy ngân là gì?

Thủy ngân là nguyên tố hóa học thuộc nhóm kim loại, ở thể lỏng, có ký hiệu “Hg” và số nguyên tử 80. Thủy ngân trong tự nhiên có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: nguyên tố kim loại, dạng vô cơ (là dạng gây hại cho những người làm các ngành nghề có nguy cơ tiếp xúc với chất độc hại như công nhân trong nhà máy hóa chất) và dạng hữu cơ (ví dụ như methylmercury, là chất mà mọi người có thể tiếp xúc thông qua việc ăn uống). Với những dạng khác nhau của thủy ngân, mức độc tính và tác động xấu của chúng đối với sức khỏe con người cũng khác nhau.

Thủy ngân được tìm thấy trong tự nhiên bên trong lớp vỏ trái đất. Thủy ngân được giải phóng ra môi trường từ hoạt động của núi lửa, phong hóa đá và tác động từ con người. Trong đó, hoạt động sản xuất của con người là nguyên nhân chính khiến cho thủy ngân thải ra môi trường, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện, lò than, đốt than dân dụng để sưởi ấm và nấu ăn, trung tâm công nghiệp, lò đốt chất thải, hậu quả do việc khai thác thủy ngân, vàng và một số kim loại khác.

Trong môi trường tự nhiên, thủy ngân có thể bị vi khuẩn tác động và chuyển thành dạng methylmercury. Methylmercury gây ra hiện tượng tích lũy sinh học trong cơ thể của cá và động vật giáp xác (tích lũy sinh học xảy ra khi sinh vật sống có chứa một chất với nồng độ cao hơn so với môi trường xung quanh). Methylmercury cũng gây ra sự tích lũy chất độc trong chuỗi thức ăn. Ví dụ, cá săn mồi lớn thường có hàm lượng thủy ngân cao do ăn phải nhiều loại cá nhỏ hơn đã nhiễm độc thủy ngân thông qua việc ăn các sinh vật phù du nhỏ hơn nữa.

Con người có thể tiếp xúc với thủy ngân dưới bất kỳ hình thức nào trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên phơi nhiễm thủy ngân chủ yếu xảy ra thông qua việc ăn phải cá và sinh vật giáp xác bị nhiễm methylmercury. Ngoài ra, công nhân làm việc tại nhà máy công nghiệp cũng có thể hít phải hơi thủy ngân như một tai nạn nghề nghiệp. Việc nấu nướng và chế biến thức ăn không thể loại bỏ được thủy ngân.

Tiếp xúc với thủy ngân độc hại ra sao?

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân. Hầu hết mọi người đều tiếp xúc với thủy ngân ở nồng độ thấp và không đáng kể, độc tính xuất hiện thường là do tiếp xúc trong thời gian dài liên tục. Tuy nhiên, một số người tiếp xúc với thủy ngân ở nồng độ cao, gọi là phơi nhiễm thủy ngân cấp tính (xảy ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thường dưới một ngày). Ví dụ về hiện tượng phơi nhiễm cấp tính thủy ngân là khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp, vỡ bóng đèn, cháy kho xưởng sản xuất.

Thủy ngân gây độc chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Hít phải hơi thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch, độc phổi và thận, nguy cơ dẫn đến tử vong. Dạng muối vô cơ của thủy ngân gây ăn mòn da, mắt, đường tiêu hóa và thận.

Rối loạn thần kinh và sự xáo trộn về hành vi xảy ra sau khi nạn nhân hít, ăn phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với da các dạng khác nhau của thủy ngân. Tuy nhiên, thủy ngân độc hại như thế nào còn tùy vào những yếu tố khác nhau khi tiếp xúc. Các triệu chứng thường gặp do nhiễm độc thủy ngân bao gồm run, mất ngủ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến thần kinh cơ, đau đầu và rối loạn chức năng nhận thức và vận động. Những biểu hiện nhẹ và dấu hiệu cận lâm sàng do nhiễm độc thủy ngân có thể xuất hiện đối với những công nhân tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí từ 20 μg/m3 trở lên trong thời gian vài năm. Tác động có hại trên thận cũng đã được báo cáo, bao gồm tăng protein trong nước tiểu và suy thận.

Vậy làm sao để tránh hiểm họa từ thủy ngân tới sức khỏe. Có một số cách để ngăn ngừa ảnh hưởng xấu của thủy ngân đến sức khỏe, bao gồm việc thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch, không sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng, ngừng khai thác thủy ngân và loại bỏ các sản phẩm chứa thủy ngân không cần thiết.

Thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Đốt than để lấy năng lượng và nhiệt là nguồn chủ yếu thải ra thủy ngân. Thủy ngân và các chất gây ô nhiễm không khí sẽ bị thải ra môi trường trong quá trình đốt than tại các nhà máy nhiệt điện, nồi hơi công nghiệp và bếp lò trong gia đình.

Ngừng việc khai thác thủy ngân và không sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng. Thủy ngân là chất không thể bị phá hủy. Vì tính chất này, thủy ngân đã được ứng dụng trong quy trình tái chế cho các mục đích khác, do đó không cần khai thác thủy ngân nữa. Sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng với quy mô nhỏ có nguy cơ dẫn đến nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các phương pháp khai thác vàng không dùng thủy ngân (ngoại trừ xyanua) cần được ứng dụng rộng rãi hơn. Khi sử dụng thủy ngân vào quy trình công nghiệp, nhất thiết phải sử dụng các biện pháp an toàn để ngăn ngừa phơi nhiễm.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang