Tiêu chuẩn - nhân tố quan trọng nâng cao năng suất chất lượng

author 07:20 15/06/2024

(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.

Trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn do các biến động thì phục hồi kinh tế là mục tiêu đặt ra của nhiều quốc gia và tiêu chuẩn là một trong những nhân tố để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, là yếu tố quan trọng thúc đẩy giao dịch thương mại và trao đổi quốc tế, tạo động lực mới cho công cuộc kiến tạo đất nước. 

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế tăng cường việc xây dựng tiêu chuẩn, đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động tiêu chuẩn hóa vẫn chưa là động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy thị trường... Dù hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam đã có những thay đổi phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn của nền kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn một số tồn tại, cụ thể:

Việc xây dựng tiêu chuẩn từ yêu cầu của thị trường chưa được chú trọng, chưa có chính sách phát triển tiêu chuẩn cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực và sản phẩm trọng điểm..., chưa có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt từ phía doanh nghiệp;

Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài... khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn;

Tiêu chuẩn trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa)

Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, quốc gia đều xác định Ban kỹ thuật là trung tâm của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, là tổ chức kỹ thuật quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực tiêu chuẩn cụ thể, tuy nhiên đội ngũ công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn tại các bộ, ngành và địa phương trong một số lĩnh vực còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ để thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn hóa;...

Nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên, việc ban hành Chiến lược tiêu chuẩn hóa là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn, nhằm xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia. 

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội; Tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. 

Một số mục tiêu cụ thể có thể kể đến gồm: Ban hành danh mục TCVN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống TCVN cho 50% số lượng sản phẩm trong danh mục tiêu chuẩn nêu trên; Đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 - 5 Bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này; Đến năm 2030 có 100% Bộ ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch; Tỷ lệ hài hoà hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và đạt 70 - 75% vào năm 2030;

Phấn đấu tham gia thành viên của Hội đồng ISO, trở thành thành viên đầy đủ của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 2025 và đến năm 2030, phấn đấu tham gia thành viên Ban Quản lý kỹ thuật TMB của ISO, tham gia từ 5 - 7 Ban Kỹ thuật IEC; Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hệ thống TCVN, chuyên gia Ban Kỹ thuật TCVN và Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025, đến năm 2030 hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu về TCVN và Ban Kỹ thuật TCVN được kết nối với bộ, ngành và địa phương...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang