Tiêu chuẩn ISO 9001 hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ

author 10:04 10/08/2024

(VietQ.vn) - Bản chất của ISO 9001 là quy định rõ việc, rõ người, rõ cách làm. Trong đó, các quy trình, hướng dẫn chuẩn đã được thiết lập thì cần phải được tuân thủ thực hiện, từ đó tổ chức, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được quá trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ổn định, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tiêu chuẩn ISO 9001 áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, tổ chức. Ảnh minh họa.

Tiêu chuẩn ISO 9001 nằm trong bộ tiêu chuẩn ISO 9000 - Bộ tiêu chuẩn quốc tế được duy trì bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), có mục tiêu trợ giúp các tổ chức xây dựng, áp dụng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng có hiệu lực. Trong đó, ISO 9001 được xem là tiêu chuẩn trung tâm quan trọng nhất của bộ tiêu chuẩn ISO 9000.

ISO 9001 là tiêu chuẩn đưa ra các nguyên tắc, nguyên lý và yêu cầu để thiết lập được một hệ thống quản lý chất lượng trong doanh nghiệp và áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ.

ISO 9001 được ban hành từ năm 1987 và trải qua 4 lần soát xét, hoàn thiện từ phiên bản ISO 9000 năm 1987; ISO 9001:1994; ISO 9001:2000; ISO 9001:2008; và ISO 9001:2015 là phiên bản cập nhật mới nhất hiện nay. Tên đầy đủ của tiêu chuẩn là ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu. 

Bản chất của tiêu chuẩn ISO 9001 là quy định rõ việc, rõ người, rõ cách làm. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia đánh giá, bản chất của ISO 9001 là quy định rõ việc, rõ người, rõ cách làm. Thứ nhất là rõ việc - tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn hóa hoạt động của công đoạn thành các quy trình/hướng dẫn vận hành để đảm bảo mọi vị trí trong tổ chức nắm bắt được công việc mình cần triển khai, thực hiện.

Thứ hai là rõ người - lãnh đạo của tổ chức, doanh nghiệp cần quyết định lựa chọn, chỉ định một số nhân sự chủ chốt của các bộ phận để tạo thành nhóm nhân sự để triển khai xây dựng và áp dụng ISO, những nhân sự này cần nắm rõ công việc, trách nhiệm, quyền hạn của từng người trong bộ phân mình để xây dựng được quy trình/hướng dẫn cụ thể, phù hợp nhất với từng vị trí công việc.

Thứ ba là rõ cách làm, các quy trình, hướng dẫn vận hành cần đảm bảo cụ thể, chính xác và được chia thành các bước thực hiện dễ dàng triển khai, thực hiện cho từng vị trí trong tổ chức, doanh nghiệp.

Trong đó, các quy trình/hướng dẫn chuẩn đã được thiết lập thì cần phải được tuân thủ thực hiện, từ đó tổ chức, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được quá trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ổn định, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang